Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS nói chung, của đồng bào Sán Dìu nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trước đây, đồng bào Sán Dìu ít canh tác ruộng nước, chủ yếu làm ruộng khô. Tuy nhiên, những năm gần đây, bà con đã học tập kinh nghiệm, tích cực giao lưu, hòa nhập, do vậy, sản xuất, kinh tế và đời sống đã khá phát triển, không có sự khác biệt nhiều so với người Kinh.
 |
Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ hát Soọng cô tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: TTXVN). |
Về lĩnh vực văn hóa, đồng bào Sán Dìu hiện vẫn giữ được những nét đặc trưng, điển hình là các thể loại văn hóa dân gian phong phú, đa dạng như: Hát soọng cô, sướng ca, hát ca, hát ru, hát kể chuyện thơ, hát tự sự, tự tình... chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, thường đúc kết chân lý, triết lý đời người sâu sắc, giáo dục đức tin, đạo làm người.
Ngoài ra, đồng bào còn gìn giữ, phát huy được các loại hình: Múa dân gian (múa gậy, múa đuổi ma tà... là những điệu múa phục vụ nghi lễ tôn giáo); múa cầu mùa, múa nhảy dây, múa vòng tròn, múa hát... (các điệu múa dùng trong dịp lễ hội). Nhạc cụ dân gian chủ yếu của người Sán Dìu là tù và, lúc lác, phèng la, đao tiền, trống con, sao, khèn lá, đàn bầu một dây, đàn ống...
Nhằm góp phần phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở huyện Tam Đảo nói riêng, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu huyện Tam Đảo”.
Theo đó, đề án dự kiến triển khai trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022-2025) sẽ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu dân tộc Sán Dìu tại thôn Tân Phú, xã Đạo Trù với diện tích quy hoạch khoảng 48ha; xây dựng chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ dân chuyển đổi ngành nghề làm homestay (30-50 hộ dân). Giai đoạn 2 (2026-2030) tiếp tục đầu tư các hạng mục phát triển Làng văn hóa kiểu mẫu dân tộc Sán Dìu tại thôn Tân Phú, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu; đào tạo và bồi dưỡng cho 200-300 lao động người dân tộc Sán Dìu kiến thức, kỹ năng về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch. Đến năm 2025 sẽ cung cấp việc làm cho 1.300 lao động, trong đó, lao động trực tiếp tại Làng văn hóa kiểu mẫu dân tộc Sán Dìu tại thôn Tân Phú là 300 lao động...
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao quyết tâm của huyện Tam Đảo cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS nói chung, đồng bào dân tộc Sán Dìu nói riêng, đồng thời nhấn mạnh, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu huyện Tam Đảo” mang ý nghĩa văn hóa, xã hội sâu sắc, có tác động quan trọng đến đời sống của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Do vậy, chính quyền địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sâu hơn các nội dung đề án. Sở văn hóa, thể thao và du lịch tích cực tham mưu đề xuất UBND tỉnh thành lập tổ, ban chỉ đạo thẩm định các nội dung liên quan tới đề án; phối hợp cùng địa phương và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn chỉnh đề án trong thời gian sớm nhất để triển khai thực hiện hiệu quả.
VIỆT PHÚ