Nếu như trước đây các xã Lương Nghĩa, Xà Phiên (huyện Long Mỹ); Hỏa Lựu, Vị Tân (TP Vị Thanh) thường được biết đến là vùng xa của địa phương, hệ thống giao thông cách trở, tđiều kiện đi lại của người dân khó khăn, chủ yếu bằng ghe, xuồng, thì đến nay, sau 3 năm thực hiện Chương trình 1719, các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống này đã từng bước đổi thay. Điện, đường, trường, trạm được nâng cấp, xây mới, giao thông đi lại thuận tiện, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.
 |
Nhờ được hỗ trợ vốn từ Chương trình 1719, gia đình anh Danh Thanh ở ấp 3, xã Xà Phiên (Long Mỹ, Hậu Giang) đã phát triển chăn nuôi để có thu nhập ổn định. |
Huyện Long Mỹ có hai xã được thụ hưởng lợi ích từ Chương trình 1719 là Xà Phiên và Lương Nghĩa. Đồng chí Phạm Hoàng Khâm, Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, cho biết: “Từ khi các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai, thực hiện đồng bộ, sâu rộng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng đã phát huy được hiệu quả, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS. Đến nay, toàn xã có 21 hộ được thụ hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề, 8 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt, 31 hộ được hỗ trợ thùng nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà cho 12 hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 732 triệu đồng; hỗ trợ 14 hộ phát triển sản xuất đa dạng sinh kế để giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí 220 triệu đồng...”.
Anh Danh Thanh ở ấp 3, xã Xà Phiên là một trong những hộ đồng bào Khmer được hỗ trợ 10 triệu đồng để chuyển đổi ngành nghề. Với anh Thanh, việc được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề là điều kiện giúp cho gia đình anh vươn lên phát triển kinh tế. Anh Danh Thanh chia sẻ: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình tôi mừng lắm. Vợ chồng tôi dùng số tiền được hỗ trợ để sửa sang lại chuồng, mua hai cặp heo về nuôi. Chúng tôi sẽ cố gắng vừa chăn nuôi, vừa làm thuê để tăng thu nhập cho gia đình, từng bước ổn định cuộc sống. Chương trình 1719 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đối với đồng bào DTTS. Thông qua việc triển khai Chương trình đã giúp đời sống đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên, kinh tế-xã hội địa phương cũng ngày càng phát triển”.
Sau 3 năm thực hiện Chương trình 1719, vùng đồng bào DTTS tỉnh Hậu Giang có nhiều thay đổi, bộ mặt nông thôn khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh cho bà con tiếp tục được đầu tư. Đồng chí Hồ Thu Ánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Thực hiện Chương trình 1719, tỉnh Hậu Giang triển khai 10 dự án thành phần, dự kiến tổng mức vốn thực hiện khoảng 219,5 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn khó khăn, hộ nghèo, đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo thuận lợi về điều kiện sinh kế cho người dân. Qua triển khai thực hiện Chương trình 1719 đã góp phần giảm hộ nghèo đồng bào dân tộc, nếu như đầu năm 2022, Hậu Giang có 1.306 hộ nghèo DTTS (chiếm 16,02% tổng số hộ DTTS), thì đến đầu năm 2023 giảm xuống còn 1.075 hộ nghèo DTTS (chiếm 13,13% tổng số hộ DTTS)”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2023, tỉnh Hậu Giang được phân bổ nguồn vốn để thực hiện Chương trình 1719 là gần 28,5 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển gần 12,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 16 tỷ đồng), đến cuối tháng 7-2023, tổng số vốn Chương trình 1719 đã giải ngân được gần 11,4 tỷ đồng. Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, phấn đấu giảm hộ nghèo bình quân 1%, giảm hộ nghèo là đồng bào DTTS hơn 2%. Việc triển khai đồng bộ Chương trình 1719 sẽ góp phần nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, từ các nguồn lực đầu tư của chương trình, chính sách, tiếp thêm ý chí, quyết tâm để người dân vươn lên thoát nghèo.
Bài và ảnh: LAN ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.