Ông Lò Văn Hả, ở bản Pút, xã Chiềng Khoi chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi được bố dạy thổi các điệu khèn, pí, được cùng mẹ đi xem sinh hoạt Hạn Khuống. Ở đây, trai gái đều hát khắp, đối đáp, giao duyên với nhau. Tham gia sinh hoạt Hạn Khuống, bà con được vui chơi, ca hát, các đôi trai, gái tìm được người bạn đời tâm đầu ý hợp. Đây là một trong những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của người Thái, được lưu truyền từ đời này qua đời khác mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống”.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân câu lạc bộ hát Thái xã Chiềng Khoi tái hiện buổi sinh hoạt Hạn Khuống.  

Để sinh hoạt Hạn Khuống, bà con tìm một bãi đất trống trong bản, sau đó chặt cây tre dựng thành sàn. Sàn được lát bằng dát tre hoặc phên nứa, dài khoảng 7m, rộng 5m, cao khoảng 1,2m, xung quanh thưng bằng chấn song đan hình mắt cáo, có một cửa lên xuống bằng cầu thang. Ở giữa sàn đặt một bếp lửa, bên cạnh có cây nêu gọi là “lắc xay gốc” bằng tre to, dài, để cả phần ngọn còn nguyên lá treo hình con ve, chim được đan bằng lạt xanh, đỏ rực rỡ. Bốn góc sàn Hạn Khuống có 4 cây “lắc xay” nhỏ, tượng trưng cho 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Khi sàn Hạn Khuống được dựng xong, bà con chuẩn bị các lễ vật như hoa, quả, thịt lợn, gà, rượu... để ông mo cúng thần linh, thổ công, thổ địa phù hộ cho sinh hoạt Hạn Khuống được thuận lợi, bình an, tốt đẹp. Sau đó, các già làng, người có uy tín trong bản sẽ dặn dò những thanh niên đến chơi Hạn Khuống cần giữ gìn phong tục tốt đẹp của dân tộc.

Trong khi sinh hoạt, mỗi Hạn Khuống có một nhóm gồm 5-10 cô gái ngồi cán bông, kéo sợi, thêu thùa, còn các chàng trai hát khắp đối đáp với các cô gái. Họ cứ hát như vậy cho đến khi người con trai khẳng định rằng mình chưa có vợ và chiếm được lòng tin thì người con gái mới thả thang cho người con trai lên sàn Hạn Khuống. Khi được lên sàn, các chàng trai bắt đầu tìm đến cô gái mình thích và mong muốn được kết duyên. Đêm càng về khuya, Hạn Khuống càng bịn rịn, tình tứ, thế nhưng cũng đến lúc phải chia tay. Họ trao nhau những lời hát chia tay về nghỉ và không quên hẹn ngày gặp lại để cùng nhau nhảy sạp, chơi quay, múa xòe... Những đôi trai gái nào phải lòng nhau thì tỏ tình trao duyên, qua thời gian tìm hiểu, nhờ bà mối đến hai gia đình thưa chuyện, xin cưới thành vợ thành chồng. 

Hạn Khuống không chỉ là nơi sinh hoạt văn nghệ, nơi để nam thanh nữ tú đến tìm hiểu nhau mà còn là nơi trao đổi, bàn bạc công việc của cả cộng đồng, của mỗi gia đình và của mỗi thành viên. Các cụ già, người lớn tuổi đến sinh hoạt Hạn Khuống để góp vui, dạy dỗ, chỉ bảo con cháu lời nói đẹp, câu hát hay. Trẻ em đến Hạn Khuống để học ăn, học nói, học hát, học quay xa, kéo sợi, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ trong cộng đồng người Thái. 

Bà Lò Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoi cho biết: “Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt Hạn Khuống, chính quyền địa phương đã tuyên truyền đến các câu lạc bộ hát Thái, đội văn nghệ bản sưu tầm những làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc; tổ chức cho các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy hát Thái, múa xòe. Bên cạnh đó, địa phương khuyến khích các già làng, nghệ nhân, người am hiểu về văn hóa dân tộc tham gia nghiên cứu, xây dựng kịch bản tổ chức phục dựng loại hình sinh hoạt văn hóa này”.

Bài và ảnh: PHAN THẢO