Mô hình này cũng đang được BĐBP tỉnh Đắk Lắk thực hiện hiệu quả từ năm 2019. Các em nhỏ được đến trường, có cuộc sống ổn định nhờ những "người bố" mang quân hàm xanh. Em Y Phú M'lô ở buôn nghèo Đrăng Phốk của xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) là một trong số đó.

Y Phú M'lô năm nay 8 tuổi, người Ê Đê, là một trong những con nuôi đầu tiên của BĐBP tỉnh Đắk Lắk. Em có hoàn cảnh rất éo le: Mồ côi mẹ khi chưa đầy 3 tuổi, bố bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Trước khi được nhận nuôi, em sống cùng ông bà ngoại đã già yếu. Chứng kiến hoàn cảnh của Y Phú M'lô, tháng 9-2019, Đồn Biên phòng Sêrêpốk xin nhận nuôi và đưa em về Phòng khám quân dân y kết hợp buôn Đrăng Phốk. Y Phú M'lô được bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập. Trung tá QNCN Đỗ Văn Nhương, Phó đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Sêrêpốk được phân công trực tiếp chăm sóc em. Kinh phí nuôi dưỡng Y Phú M'lô do cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp.

leftcenterrightdel
 Trung tá QNCN Đỗ Văn Nhương chuẩn bị cho con nuôi Y Phú M'lô đến lớp.

6 ngày trong tuần, vào buổi tối, Trung tá QNCN Đỗ Văn Nhương cùng Thiếu tá, bác sĩ Cao Đức Diện (cán bộ phụ trách Phòng khám quân dân y kết hợp buôn Đrăng Phốk) thay phiên kèm Y Phú M'lô học. Từ cách ghép vần, tập đọc cho đến những phép tính, bài tập làm văn em đều được các anh hướng dẫn. Chính vì thế mà Y Phú M'lô là học sinh đọc thông, viết thạo và làm toán giỏi nhất lớp. Được chăm sóc và kèm cặp cẩn thận nên mới lớp 3, Y Phú M'lô đã tự biết giặt quần áo, gấp chăn màn vuông vắn và thực hiện giờ giấc như "bố" Đỗ Văn Nhương. Ngoài giờ học, em còn tự quét dọn nhà cửa, nhổ cỏ, chăm sóc vườn cây thuốc của Phòng khám.

Thấm thoắt 3 năm, Y Phú M'lô lớn lên trong tình yêu thương của những "người bố" quân hàm xanh. Dưới ánh nắng vàng của mùa khô vùng cao nguyên chiếu xuyên qua tán cây mát mẻ, Trung tá QNCN Đỗ Văn Nhương vừa chỉnh cổ áo đồng phục cho cậu "con trai" Y Phú M'lô, vừa tâm sự với chúng tôi: “Mới đầu, nhiều anh em trong đơn vị hỏi tôi, cháu còn nhỏ vậy thì có chăm được không, nhưng tôi vẫn quyết tâm. Cháu nhỏ, hiếu động nên tôi thường xuyên nhắc nhở và rèn giũa trong sinh hoạt, đi đứng, chào hỏi người lớn. Khu vực này lại gần sông Sêrêpốk nên cũng phải nhắc cháu không được đi chơi xa. Lớp 1, lớp 2, cháu đều đạt học sinh giỏi và rất ngoan. Chúng tôi coi Y Phú M'lô như con ruột của mình, mong rằng khi trưởng thành, cháu sẽ thành người có ích cho xã hội”.

Ông Y Chuôn-ông ngoại Y Phú M'lô-xúc động cho biết: “Kể từ khi cháu được nhận nuôi, gia đình tôi đỡ vất vả nhiều lắm, có thể tập trung làm ăn. Tôi và bà ngoại cháu đã già yếu, nay có các anh BĐBP, chính quyền địa phương giúp đỡ, chúng tôi cũng yên tâm nhiều”. Được biết, đến khi Y Phú M'lô học hết lớp 9 sẽ được đưa vào Chương trình “Nâng bước em đến trường” với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng của BĐBP tỉnh Đắk Lắk.

Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” là chủ trương đúng đắn của Bộ tư lệnh BĐBP nhằm giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, thuộc diện gia đình là con, cháu liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn biên giới. Theo Đại tá Phạm Hữu Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Lắk, đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm chia sẻ những khó khăn của các em học sinh tại địa bàn biên giới của tỉnh. Các em sẽ có điều kiện đến trường, được học tập và rèn luyện, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão. Chương trình cũng góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đồng bào biên giới, tô thắm thêm truyền thống, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, lâu dài.

Bài và ảnh: LÊ HIẾU