Là trưởng bản, ông Lý Sòi Sềnh có cách tuyên truyền rất thiết thực. Ông Sềnh là người ham học hỏi, nói thông thạo tiếng Kinh, tiếng đồng bào, lại có cách diễn đạt mộc mạc nên dễ thuyết phục người nghe. Như chuyện bản cần mở rộng con đường rồi bê tông hóa để thuận tiện trong đi lại, nhất là giúp trẻ em đi học không bị trơn trượt, đẩy mạnh giao thương... Công trình được Nhà nước hỗ trợ một phần, bà con tham gia hiến đất, đóng góp chút tiền và công lao động, tuy nhiên, trong bản có mấy anh vốn có thói quen dựa dẫm vào Nhà nước, không chịu góp tiền, cũng không chịu lao động cùng bà con. Họ đưa ra lý lẽ “Đường của Nhà nước chứ có phải đường nhà tôi đâu, ai tham gia cứ tham gia, nhà tôi có việc bận, bà con thông cảm”. Vậy là ông Sềnh đến tận gia đình đó nói rằng: “Bác không góp công, góp của cũng được, nhưng phải ký vào cam kết với nội dung khi đi xe máy qua đoạn đường do bà con cùng chung sức làm, bác phải khênh xe qua rồi mới được đi tiếp". Tuyến đường dài hơn 1km, ai mà khênh xe máy qua được? Người này hiểu ra và tự giác tham gia cùng bà con làm đường.

leftcenterrightdel
Một góc xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh minh họa: toquoc.vn

Một thời ở bản không có công trình nước sạch. Nhiều hộ đào giếng cạnh chuồng lợn hoặc công trình vệ sinh khác để tiện cho việc sử dụng, lâu ngày chất thải từ các công trình đó ngấm xuống giếng, dẫn đến nhiều trẻ em, người lớn bị đau bụng, đau mắt do dùng nước mất vệ sinh. Các gia đình phải mất công xuống suối cách nhà vài ki-lô-mét để lấy nước, mất nhiều thời gian, mà nguồn nước đó vẫn không hợp vệ sinh. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước,  bản được xây 5 bể chứa nước sạch ở nơi thuận tiện cho bà con sử dụng, tuy nhiên, một số công trình lại nằm trên phần đất của dân.

Khi cán bộ đến vận động bà con hiến đất, ban đầu cũng có người không nghe, vì cho rằng như thế là không công bằng. Họ bảo: “Đã hiến đất thì mọi người cùng có trách nhiệm hiến, chứ sao có mình nhà tôi”. Thấy thế, trưởng bản Lý Sòi Sềnh lấy luôn đề tài “đau mắt, đau bụng” ra để tuyên truyền. Ông bảo: “Các bác tính xem, hằng ngày chúng ta phải mất nửa ngày để ra suối lấy nước về dùng mà nước vẫn đục, kém vệ sinh. Chưa kể trẻ em bị đau mắt, người lớn phải bỏ việc ở nhà trông con, người lớn đau bụng không ra ruộng, lên rừng được. Khi có bể nước cạnh nhà, bà con không mất công đi lấy nước, nước hợp vệ sinh không lo đau bụng, đau mắt. Chúng ta có nhiều thời gian đi thu hoạch gỗ keo, bóc vỏ quế, vừa có tiền lại vừa có nước sạch để dùng có hơn không”.

Trưởng bản Lý Sòi Sềnh còn đưa ý kiến đó ra những buổi họp bản, bà con hiểu ngay và vào cuộc hăng hái. Đến nay, cả 5 bể nước đã hoàn thành, bà con lắp vòi trực tiếp vào bể kéo nước về nhà, giải phóng đôi vai hằng ngày phải gánh gồng đi lấy nước. Vậy là cũng công sức ấy, trước đây dùng để vào khe núi lấy nước, nay để khai thai thác gỗ keo, bóc vỏ quế... mang lại thu nhập phục vụ cuộc sống tốt hơn. Bà con ai cũng nói: “Có được điều đó một phần quan trọng là nhờ trưởng bản Lý Sòi Sềnh”.

CÔNG THÀNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.