Hôm nay là ngày cuối cùng cô ở lại nơi này trước khi trở về xuôi nhận công tác mới, khép lại hành trình dạy học cho những đứa trẻ vùng cao. Những năm qua, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai và những đứa trẻ, dù nghịch ngợm hay rụt rè, đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô.

Những ngày đầu đến bản, Lan đã bước qua bao dặm đồi núi, vượt qua những con suối sâu, băng qua rừng rậm và trèo dốc cao. Đôi chân nhỏ nhắn nhưng kiên cường đã nhiều lần rướm máu vì những con đường trơn trượt, đầy đá sắc, những bước chân trầy xước bởi gai rừng. Bản làng chào đón cô như người thân trong gia đình. Cô nhớ mãi ánh mắt của bà con trong bản nhìn mình như một lời cảm ơn thầm lặng khi cô dạy dỗ con cái họ. Nhờ cô, con chữ đã đến gần hơn với những đứa trẻ, có lẽ nhờ có con chữ, các em sẽ có cơ hội thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của nghèo khó.

Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Còn nhớ, một lần khi đã chiều muộn, trời bất chợt đổ mưa lớn, những con đường mòn trong bản trở nên lầy lội, trơn trượt. Lan vừa thu dọn sách vở thì thấy bóng dáng nhỏ xíu của bé Súa đang đứng dưới mái hiên, lưng áo ướt đẫm, hai bàn chân lấm bùn đất. Cô bé đứng đó, ôm chặt chiếc cặp rách, đôi mắt đượm buồn.

- Súa sao chưa về nhà?-Lan hỏi, giọng không giấu được sự ngạc nhiên.

Súa ngập ngừng, tay nhỏ bấu chặt vào quai cặp, cúi đầu lí nhí: “Hôm nay mẹ bảo không đi học nữa. Mẹ nói nhà không có đủ gạo, em phải ở nhà giúp mẹ...”.

Nghe đến đó, lòng Lan như thắt lại. Cô nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, ôm Súa vào lòng, thủ thỉ: “Cô hiểu rồi. Nhưng Súa này, nếu cố gắng học, sau này em có thể giúp mẹ nhiều hơn. Cô sẽ giúp em, miễn là em vẫn muốn đi học, được không?”.

Súa ngước lên nhìn cô, đôi mắt long lanh, rồi khẽ gật đầu.

Và thế là những ngày sau đó, Lan và anh Phúc, cán bộ xã không ngại đường xa, khó nhọc, lần lượt đến từng nhà trong bản để thuyết phục. Thêm một đứa trẻ được đi học nghĩa là thêm một niềm hy vọng cho tương lai. Ngày Súa quay lại lớp, nhìn ánh mắt tràn đầy niềm vui khi gặp các bạn, Lan thấy lòng ấm áp hơn bao giờ hết. Cô biết, mỗi bước đi của cô cùng các cán bộ địa phương là từng bước giúp những đứa trẻ nơi đây chạm đến giấc mơ của riêng mình.

Lớp học mà Lan đứng lớp chỉ là một gian nhà gỗ cũ kỹ, mái dột nát, tường vách xiêu vẹo. Bàn ghế bằng gỗ đã mòn, chân bàn chông chênh, những chiếc ghế ngả nghiêng. Sách vở của các em cũng thiếu thốn trăm bề. Nhiều em chỉ có vài tờ giấy rời, đôi lúc phải nhờ cô Lan chép bài lại vì giấy vở đã cũ, hết trang. Cây bút của em nào cũng ngắn cũn, đầu mực khô cứng, nhưng các em vẫn nâng niu như báu vật, dùng cho đến khi không thể viết được nữa. Mỗi tối, cô lại ngồi dưới ánh đèn dầu leo lét, tự tay dán lại từng trang sách, đóng lại từng quyển vở để mai đến lớp phát cho học trò.

Khó khăn là vậy, nhưng Lan dần tìm thấy niềm vui trong chính sự gắn bó giản dị, thân thương với học trò và bà con trong bản. Cô yêu những khoảnh khắc ngồi bên cạnh đám trẻ con vui đùa, vừa giảng bài vừa nghe tiếng chim hót líu lo. Lan yêu những nụ cười của các em mỗi khi hiểu được bài học mới, hay những ánh mắt lấp lánh khi cô kể chuyện về thế giới bên ngoài mà các em chưa từng biết...

 Đêm nay, những đóa hoa rừng chập chờn như đang nở giữa màn sương, dịu dàng như nhắn nhủ rằng dù mai có về xuôi, trái tim cô vẫn luôn ở lại, mãi mãi thuộc về những đứa trẻ của vùng đất mà cô đã dành trọn tuổi thanh xuân để yêu thương.

LINH CHÂU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.