Tiếng loa chói tai, bỗng có tiếng trẻ khóc ré lên. Đó là bé Mũm, con Bón đang nằm trong nôi. Chỉ vì tiếng loa xen lẫn tiếng hát ông ổng như "công nông vượt dốc" khiến bé giật nảy mình, khóc thét. Bà Mâm nghe tiếng khóc từ dưới sân chạy vội lên bế cháu. Bà nói lớn:
- Thằng Bón có tắt ngay cái loa đi không, mày không nghe thấy con khóc à?
- Thì bà bế cháu đi chơi đi...
Không để yên, bà Mâm chạy lại rút cái ổ cắm ra. Tiếng loa tắt đột ngột. Bón cằn nhằn khoác áo ra vườn.
Đứa cháu nhỏ vẫn khóc. Bà Mâm ấp cháu vào lòng rồi hát ru: “Con ngủ ngoan để mẹ dắt trâu đen đi ra cày dọc. Con ngủ đi để mẹ dắt trâu bạc đi ra bừa ngang. Cho mẹ trồng vườn khoai lang trước cửa...”.
Tiếng trẻ khóc nhỏ dần rồi im bặt. Đặt cháu xong, bà Mâm xuống sân vãi nốt ca thóc cho đàn gà thì thấy ông trưởng bản đứng ngay dưới chân cầu thang. Bà Mâm niềm nở:
- Có việc gì mà ông trưởng bản đến nhà tôi sớm vậy?
- Ây dà, có việc đấy bà... Mà tôi vừa nghe bà hát rồi, vẫn hay như ngày nào.
- Giờ tôi già rồi, ê a mấy câu ru cháu thôi chứ hát hò gì đâu.
- Đấy, nói đến chuyện hát nên tôi mới đến đây hỏi ý bà. Chuyện là huyện có chủ trương thành lập các đội đàn và hát dân ca trong từng bản để bảo tồn, gìn giữ vốn dân ca cổ, đồng thời phục vụ hoạt động du lịch tại địa phương.
Mới nghe có vậy bà Mâm đã ái ngại:
- Ấy chết, tôi quanh năm từ nhà lên nương thì làm được gì mà ông nói chuyện chủ trương với chính sách.
Ông trưởng bản động viên:
- Thì bà cứ bình tĩnh đã. Cả bản chỉ có bà thuộc nhiều điệu hát ví, hát rang cổ. Nếu không truyền dạy thì bao câu hát của bản Mường ta sẽ như gió cuốn về trời thôi. Ngày trước vào mỗi dịp hội xuân, trai gái vẫn rủ nhau hát ví để tỏ tình giao duyên. Nay thì chỉ toàn nhạc mới, loa đánh ầm ĩ nghe đau cái tai, nhức cái đầu lắm bà ạ. Thế nên, cấp trên có chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có việc truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian là hết sức ý nghĩa đấy bà ạ.
- Nhưng giờ tôi già rồi, như con suối cạn nước, như cây khô trút lá ông à.
- Bà già nhưng hát còn hay lắm. Tôi đã vận động được các cháu nhỏ trong bản đến để học hát đấy bà.
- Ấy... ấy... Thế vẫn còn có người thích hát ví, hát rang hả ông?
- Có chứ bà. Khi tôi nói về việc thành lập đội đàn và hát dân ca, nhiều người ủng hộ và xin tham gia đấy. Đợt tới bà phải giúp việc dạy hát cùng các nghi thức trình diễn trong hội xuân, về nhà mới, cưới hỏi, rước vía lúa, cầu mùa... Sau đó trên còn về ghi hình để lưu trữ.
- Thế cơ à? Thôi được rồi, tôi biết đến đâu thì giúp đến đó ông nhé!
Từ đó, bà Mâm miệt mài truyền dạy các điệu hát ví, hát rang cho các thành viên trong đội hát. Căn nhà nhỏ của bà Mâm cũng không còn những âm thanh chát chúa từ bộ loa nữa, thay vào đó là điệu hát ví, hát rang mượt mà của người dân bản Mường... Việc làm của bà Mâm là một trong những việc làm thiết thực, góp phần thực hiện hiệu quả dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
MINH THU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.