Buôn Buôr là một trong 4 buôn cổ của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Nông, nằm bên bờ sông Sêrêpôk, nơi có cầu 14 nối liền hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Trên đường cùng chúng tôi đến buôn Buôr, anh Trần Mạnh Trường, công chức văn hóa xã Tâm Thắng lý giải: "Buôn Buôr của người Ê Đê được thành lập vào những năm 1893, 1894, khi người Pháp tiến hành xây dựng cầu Sêrêpôk (bắc ngang dòng Sêrêpôk). Hiện nay, cả buôn có 201 hộ, 1.180 nhân khẩu, trong đó đồng bào Ê Đê chiếm 99%". Cùng với sự phát triển của xã Tâm Thắng-địa phương đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, hiện nay cuộc sống của bà con Ê Đê ở buôn Buôr có nhiều thay đổi. Ngoài nguồn thu từ sản xuất cà phê, hồ tiêu, bà con còn phát triển nghề dệt thổ cẩm, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên sông Sêrêpôk và đang hướng đến phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của buôn Buôr chỉ còn 0,08%. Buôn Buôr trở thành buôn văn hóa điển hình của đồng bào Ê Đê ở Đắk Nông.

leftcenterrightdel

Hiện còn hơn 80 hộ dân ở buôn Buôr giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. 

Theo đồng chí Trần Thế Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng: Buôn Buôr được tỉnh Đắk Nông chọn là một trong những điểm dừng chân trong kế hoạch phát triển du lịch sinh thái và văn hóa trên địa bàn tỉnh. Một số buôn của xã nằm bên dòng Sêrêpôk được quy hoạch hình thành “phố du lịch” ven sông. Từ năm 2007, nhằm hỗ trợ buôn Buôr gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Dự án “Bảo tồn buôn Buôr cổ của người dân tộc Ê Đê, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông”. Dự án có tổng kinh phí 6,7 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Xây dựng nhà văn hóa cộng đồng buôn; xây dựng đường nội buôn; khôi phục bến nước và giếng cổ; sửa chữa, phục chế 3 căn nhà sàn cổ của đồng bào Ê Đê. Ngoài nguồn đầu tư của Trung ương, những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông còn triển khai dự án cấp chiêng, phục dựng lễ hội, hỗ trợ phát triển làng nghề, tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Nhờ vậy, buôn Buôr đã phục dựng, phát huy được truyền thống văn hóa của đồng bào Ê Đê, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thống kê sơ bộ mới đây của ngành chức năng, hiện toàn buôn Buôr còn giữ gìn, khôi phục được 18 nhà sàn truyền thống, trong đó có 10 nhà sàn cổ; 54 hộ còn lưu giữ và biết diễn tấu chiêng bằng, 18 hộ lưu giữ và biết diễn tấu chiêng núm. Nhiều nghệ nhân, điển hình như nghệ nhân ưu tú Y Sim Êban không chỉ gìn giữ được bộ chiêng quý mà còn thuộc nhiều bài chiêng cổ và sáng tác được các bài chiêng mới phù hợp với nhịp sống hiện đại.  

Trong hành trình phát triển những năm tới, đồng bào Ê Đê ở buôn Buôr kỳ vọng tiếp tục được ngành văn hóa từ Trung ương đến địa phương hỗ trợ nhằm phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là việc phục dựng lễ hội; tạo không gian diễn xướng cồng chiêng; phát triển nghề dệt thổ cẩm kết hợp phát triển du lịch sinh thái và văn hóa.

 Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH