Bằng cách làm đó, đơn vị đã giúp nhiều gia đình tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững. Bởi vậy, đồng bào nơi đây gọi những con bò giống được Trung đoàn KT-QP 710 trao tặng là “bò thoát nghèo" của Bộ đội Cụ Hồ.

Dẫn chúng tôi đi xem đàn bò của gia đình, vợ chồng anh Kpă Oát và chị Rơ Mah Dỡy, người dân tộc Gia Rai, ở làng Moai (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) luôn nở nụ cười hạnh phúc. Anh Kpă Oát vừa lấy thức ăn cho bò, vừa kể, ngày trước gia đình khó khăn lắm, vợ chồng chăm chỉ làm lụng cũng không đủ tiền nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Anh cũng không có kiến thức về chăn nuôi bò nên khi cán bộ Trung đoàn KT-QP 710 nói sẽ tặng gia đình cặp bò giống thì vừa mừng, vừa lo.

Trước khi nhận bò, ngày nào cán bộ của trung đoàn cũng đến nhà hướng dẫn anh về kỹ thuật chăn nuôi; cách phòng, chống bệnh, tạo nguồn thức ăn cho bò, hỗ trợ làm chuồng trại và động viên “muốn thoát nghèo thì phải quyết tâm, phải cố gắng, phải tự mình vươn lên, không trông chờ ỷ lại người khác”. Khi vợ chồng anh Kpă Oát đã có đủ kiến thức về chăn nuôi, Trung đoàn KT-QP 710 tiến hành trao tặng cặp bò giống trị giá 25 triệu đồng. Đến nay, bò giống đã đẻ được 3 con bê.  

Cán bộ Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 hướng dẫn gia đình anh Kpă Oát kỹ thuật chăm sóc bò, tháng 4-2021. 

Anh Rơ Ô Thoanh, người dân tộc Gia Rai ở làng Klar (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) là hộ nghèo cũng được Trung đoàn KT-QP 710 tặng cặp bò giống trị giá 25 triệu đồng từ đầu năm 2020. Cặp bò của gia đình anh Rơ Ô Thoanh đã sinh được 3 con bê, gia đình bán bớt một con lấy tiền trang trải cuộc sống và lo cho con ăn học. “Trước đây, vợ chồng mình cũng muốn thoát nghèo lắm nhưng không biết bằng cách nào. Cặp bò giống do Trung đoàn KT-QP 710 trao tặng đã tạo sinh kế cho gia đình...”, anh Thoanh trải lòng.

Thượng tá Nguyễn Quang Tú, Trung đoàn trưởng Trung đoàn KT-QP 710 cho biết: “Địa bàn đơn vị đóng quân có hơn 80% người dân là đồng bào DTTS, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Để góp phần giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, trung đoàn triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo. Trong đó, huy động các nguồn lực mua bò giống tặng đồng bào là một cách làm thiết thực, hiệu quả, giúp hàng chục gia đình tích lũy được nguồn vốn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Để phát huy hiệu quả của mô hình, không chỉ dừng ở việc trao tặng bò giống mà đơn vị còn tiến hành khảo sát kỹ hộ nghèo, xem bà con thiếu gì, cần hỗ trợ những gì? Sau khi hỗ trợ bò giống, đơn vị cử cán bộ tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi, động viên bà con quyết tâm thoát nghèo. Quá trình chăn nuôi, đơn vị tiếp tục theo dõi, giám sát, giúp đỡ kỹ thuật để bò giống sinh trưởng, phát triển tốt...

 Bài và ảnh: SƠN TÙNG - TRÙNG DƯƠNG