Thầy giáo Mai Mạnh Cường, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Trường THCS Nguyễn Du thành lập ngày 1-9-2005. Năm học 2023-2024 này, toàn trường có 12 lớp, với tổng số 512 học sinh và 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đắk Nuê là xã đặc biệt khó khăn nên Trường THCS Nguyễn Du có hơn 35% học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo, trong đó 60% học sinh nhà trường là người dân tộc thiểu số (DTTS).

Hiện tại, toàn trường có hơn 400 học sinh được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”; 76 học sinh được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn”.

Năm học 2013-2014, Trường THCS Nguyễn Du được đầu tư khu bán trú dân nuôi với 5 phòng dành cho các em có nhà cách xa trường lưu trú. Cũng từ năm học 2013-2014, khu bán trú dân nuôi có hơn 40 học sinh các buôn: Dlây, Đắk Sar (xã Đắk Nuê), buôn Đắk Hiu (xã Đắk Phơi) ở khu bán trú dân nuôi, đây là những buôn cách xa trường từ 15-35km, nên các em phải ở lại khu bán trú của nhà trường để theo học. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên các em chỉ mang gạo, mắm muối đến khu lưu trú, gom góp cùng nhau tự nấu ăn. Bữa cơm của các học sinh khu bán trú dân nuôi đạm bạc, kham khổ, chủ yếu chỉ có cơm, rau luộc và nước mắm, muối; không có thịt, cá. 

leftcenterrightdel
Các cô giáo Trường THCS Nguyễn Du đi chợ và tự tay chế biến các món ăn cho học sinh. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay khu bán trú dân nuôi Trường THCS Nguyễn Du có 62 học sinh đang lưu trú, đa phần các em là con em đồng bào DTTS di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến tỉnh Đắk Lắk, nhiều em chưa có hộ khẩu thường trú tại địa phương nên không được hưởng các chính sách ưu đãi theo nghị định của Chính phủ, hoàn cảnh vốn khó khăn lại càng thêm khó khăn hơn. Cảm thông, sẻ chia với học sinh trong khu bán trú dân nuôi, cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THCS Nguyễn Du đã lập ra “Bếp nấu yêu thương” từ ý tưởng của thầy giáo Nguyễn Lâm Minh, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Nguyễn Du.

Theo đó, bình quân mỗi tháng, các thầy, cô giáo và nhân viên nhà trường tự nguyện đóng góp một phần thu nhập của cá nhân để có khoản tiền 3 triệu đồng. Rồi các thầy, cô giáo cắt cử nhau luân phiên đi chợ, tự tay nấu cho các em mỗi tuần 1 bữa ăn tập trung có thịt, cá, trứng, rau, củ, quả đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, trong năm học 2023-2024 này, “Bếp nấu yêu thương” của Trường THCS Nguyễn Du còn nhận được sự hỗ trợ từ mô hình “Nuôi em bán trú” do Hội đồng Đội huyện Lắk phát động. Mong muốn lớn nhất của các thầy, cô giáo nhà trường là mỗi tháng có thể nấu thêm cho các em được nhiều bữa ăn “có thịt”. Nhưng với khả năng hạn hẹp, hiện nay, mỗi tuần nhà trường cũng chỉ nấu cho các em được 1 bữa cơm.

Thầy giáo Nguyễn Lâm Minh tâm sự: “Xuất phát từ tình cảm yêu thương học sinh như con em mình nên từ khi có khu bán trú dân nuôi, chúng tôi thấu hiểu sự kham khổ, thiếu thốn của các em trong bữa ăn hằng ngày. Từ đó, các thầy, cô giáo thường xuyên hỗ trợ các em thực phẩm để cải thiện bữa ăn. Và để sự hỗ trợ ấy đi vào quy củ, nền nếp, nhà trường quyết định thành lập “Bếp nấu yêu thương”.

Cùng thầy giáo Mai Mạnh Cường đến khu bán trú dân nuôi thăm các em, chúng tôi được biết, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của cán bộ, giáo viên nhà trường, tất cả các em đều học hành tiến bộ. Chính tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia của thầy, cô giáo đã và đang tiếp thêm nghị lực để 62 em học sinh đặc biệt khó khăn ở khu bán trú dân nuôi vượt qua những tháng ngày gian khó trong hành trình tìm con chữ và học làm người.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.