Mới đây có dịp trở lại thăm bản Phúc Lộc (xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quang cảnh và đời sống có nhiều khởi sắc của bà con nơi đây. Bản Phúc Lộc là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nếu như trước đây, trục đường chính dẫn vào bản không có đèn điện mỗi khi đêm xuống, người dân chẳng mấy ai dám ra đường bởi sợ mất an toàn thì nay trên con đường này, điện đường đã được thắp sáng về đêm. 

Thượng tá Phan Thanh Tài, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phú Lộc cho biết: "Thực hiện nội dung ký kết hoạt động kết nghĩa với xã Xuân Lộc, Ban CHQS huyện Phú Lộc đã huy động hàng trăm ngày công của bộ đội xây dựng 1,7km đường điện với tổng kinh phí hơn 120 triệu đồng. Số tiền này được trích từ quỹ tiết kiệm của đơn vị và đóng góp của cán bộ, chiến sĩ. Trong những lần về làm công tác dân vận tại bản Phúc Lộc, Ban CHQS huyện còn giúp nhân dân làm đường giao thông, vệ sinh môi trường, cải tạo vườn tạp; thăm, tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo học giỏi...".

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế giúp Trường Mầm non A Roàng (huyện A Lưới) đổ bê tông sân trường. Ảnh: TRẦN TÌNH 

Nhờ sự chung tay của Ban CHQS huyện Phú Lộc, diện mạo và đời sống bà con nhân dân ở bản Phúc Lộc nói riêng và xã Xuân Lộc nói chung đổi thay từng ngày. Có điện, có đường không chỉ giúp bà con đi lại thuận tiện mà còn giúp bản làng vui hơn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được nâng cao. Đặc biệt, năm 2023, xã Xuân Lộc đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hồng Thủy cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới A Lưới, hầu hết đồng bào nơi đây là người dân tộc Pa Cô. Đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của nhân dân, cuối năm 2023, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã hành quân chung tay cùng địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chỉ trong thời gian một tuần, đơn vị đã phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống vệ sinh, khoa học; tặng 10 cặp heo giống cho các gia đình khó khăn; tham gia đổ bê tông đường giao thông; sửa chữa, nâng cấp 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, tu sửa trường học; giúp nhân dân cải tạo nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhà văn hóa và UBND xã... Trước việc làm tình nghĩa của bộ đội, ông Đinh Văn Dóp (thôn La Ngà, xã Hồng Thủy) xúc động cho biết: “Bộ đội về giúp làm đẹp thôn xóm, còn tặng gia đình tôi cặp heo giống. Tôi hứa sẽ chăm sóc tốt để phát triển kinh tế gia đình, không phụ tấm lòng của bộ đội”.

Trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, thông qua các đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, huấn luyện kết hợp giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế còn huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đến các xã vùng giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giúp địa phương bê tông hóa đường giao thông, xây dựng kênh mương thủy lợi, củng cố trường học, nhà văn hóa, trạm y tế...; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ CHQS tỉnh tham mưu và phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình “Xuân đoàn kết-Tết thắm tình quân dân” tại xã Lâm Đớt (huyện A Lưới) với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Bằng trách nhiệm, nghĩa tình của Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân-dân, xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc.

HOÀNG THÁI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.