Khó khăn do thiếu vốn

Sinh kế cũ của người Ơ Đu là canh tác nương rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, sau tái định cư, mô hình sinh kế này vẫn còn giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, mô hình này lại đang đối diện với nhiều khó khăn hơn so với trước khi tái định cư. Nhà ông Lo Thanh Bình trước đây sinh sống ở bản Xốp Pột, xã Kim Đa từng có đàn bò lên đến mười mấy con, đàn lợn hơn chục con, còn gia cầm thì cả trăm con. Nương rẫy không thật nhiều nhưng cơ bản vẫn sản xuất đủ gạo cho gia đình sinh sống trong năm. Nhưng khi chuyển về Văng Môn thì từ việc canh tác đến chăn nuôi đều gặp khó khăn. Đất thì không trồng lương thực được; khi không trồng được các loại cây lương thực, thực phẩm thì cũng ảnh hưởng đến chăn nuôi do không có nguồn thức ăn cũng như không có chỗ để chăn thả trâu, bò, lợn, gà... như trước. Ông Bình nói: “Làm ra đồng nào thì phải mua gạo hết đồng đó nên không mua được thêm vật nuôi. Ngay cả khi được Nhà nước hỗ trợ bò thì cũng không biết lấy gì mà nuôi bởi không kiếm được thức ăn cho bò”.

Bà Lo Thị Nga là người làm "sống dậy" khung cửi trong bản Văng Môn. (Ảnh chụp trước ngày 29-4-2021). 

Trong bối cảnh trồng trọt và chăn nuôi gặp khó khăn thì người dân phải mưu sinh bằng những phương thức khác. Bên cạnh việc lựa chọn đi xa để kiếm sống thì một số người đã tìm kiếm những phương án khác ngay tại quê hương. Phát huy nguồn vốn văn hóa truyền thống để mở rộng sinh kế là một con đường được nhiều người lựa chọn. Bà Lo Thị Nga tìm đến con đường tăng thêm thu nhập từ dệt, thêu thổ cẩm và may trang phục truyền thống. Bà Nga là người dân tộc Thái về làm dâu ở bản Văng Môn. Từ nhỏ, bà đã được chân truyền từ mẹ về kỹ thuật dệt may và thêu thùa của người Thái. Khi về bản, bà khơi dậy sức sống của khung cửi, hằng ngày dệt, thêu, rồi may các bộ trang phục truyền thống của người Thái và người Ơ Đu để bán cho người dân trong vùng. Bà còn nhận những đơn hàng do các cơ quan đặt khi có những chương trình, dự án phát triển liên quan mà cần đến các sản phẩm truyền thống. Nhờ vậy, bà Nga kiếm được thêm một nguồn thu nhập quan trọng để mua lương thực, cũng như chi tiêu trong gia đình.

Khác với bà Nga, bà Lê Thị Hòe lại tìm đến việc làm rượu cần để bán. Với kinh nghiệm nhiều năm ủ và làm rượu cần nên rượu của bà làm ra được nhiều người mua. Một số người khác lại lựa chọn bán hàng tạp hóa như là một kế mưu sinh để kiếm thêm tiền mua lương thực và trang trải cuộc sống. Hiện cả bản Văng Môn có 7 quán tạp hóa nhỏ, trong đó có 5 quán của người Ơ Đu và 2 quán của người Thái, là nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân trong bản. Quán tạp hóa cũng mang lại thu nhập cho người dân nhưng cần phải có vốn đầu tư và có vị trí thuận lợi.

Đa dạng hóa sinh kế là nhu cầu, cũng là chiến lược để giảm thiểu rủi ro. Nhưng với người Ơ Đu ở Văng Môn, những người có thể mở rộng sinh kế tại địa phương không nhiều. Ngoài 5 quán tạp hóa thì có 2 người làm rượu cần và 8 người làm dệt may (thực ra chỉ có 2 người làm dệt may có thể mang lại thu nhập khá hơn cho gia đình), còn lại đều gặp khó trong lựa chọn sinh kế khác. Họ không có nguồn vốn kiến thức xã hội để đi ra ngoài tìm kiếm việc làm, cũng không có nguồn vốn văn hóa để có thể mang ra buôn bán như những người dệt may hay làm rượu cần, cũng không có nguồn vốn tài chính để buôn bán, cho dù là một hiệu tạp hóa nhỏ. Nói vậy để thấy đa dạng hóa sinh kế tuy là một điều cần thiết nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được.

Phụ nữ Ơ Đu ở bản Văng Môn thêu thổ cẩm. 


Không chỉ là tiền bạc, vật chất


Đó là một câu hỏi dai dẳng, trải qua nhiều thế hệ và sẽ còn tiếp tục là vấn đề quan trọng trong việc hoạch định các chính sách hỗ trợ phát triển vùng nông thôn nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng.

Thật khó để chỉ ra một yếu tố thỏa mãn nhằm trả lời cho câu hỏi quan trọng này. Đã có nhiều cuộc tranh luận quanh chuyện “cho cần câu hay cho con cá”, rồi chuyện “trồng cây gì", "nuôi con gì”, rồi chuyện “nâng cao cơ sở hạ tầng”... Nghĩa là đã có nhiều phương án, nhiều định hướng được đưa ra trong các dự án và đi vào thực tế. Nhưng đến nay thì người Ơ Đu vẫn còn là đối tượng nghèo đói và cần phải được tiếp tục hỗ trợ. Nó như là một lời khẳng định về tính hiệu quả của các dự án phát triển. Vậy rút cuộc, người dân cần những gì để phát triển?

Với người Ơ Đu hiện nay, để phát triển được, bên cạnh vật chất, tài chính thì cần đầu tư về nguồn vốn con người, vốn xã hội và vốn văn hóa, đây còn gọi là những nguồn lực mềm để phát triển. Vốn con người là tri thức, kỹ năng và nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Vốn xã hội chính là niềm tin, lòng tự trọng, là mạng lưới xã hội để họ tiếp cận được các nguồn lực phát triển khác. Vốn văn hóa chính là các nhân tố văn hóa cộng đồng, vốn văn hóa cá nhân, hệ thống thể chế phù hợp để phát triển. Nếu như vốn tự nhiên là nguồn vốn có sẵn, không dễ dàng đầu tư nhanh chóng, ngắn hạn thì các nguồn vốn còn lại nếu có chiến lược hợp lý sẽ có thể mở rộng, phát huy được vào quá trình phát triển.

Hiện nay, sau nhiều năm nhận hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, người Ơ Đu đang gặp phải những vấn đề liên quan đến các nguồn lực mềm vốn rất quan trọng trong xã hội hiện đại. Nguồn vốn văn hóa cộng đồng bị mất mát, trong khi vốn văn hóa cá nhân cũng hạn chế. Con người mất dần sự tự tin, mạng lưới xã hội hạn hẹp. Nó trở thành những trở ngại của cuộc sống. Vậy nên, họ đang cần xốc lại tinh thần, lấy lại tự tin, nâng cao năng lực của bản thân, xây dựng mạng lưới xã hội của chính mình để phát triển. Và, nếu vẫn tiếp tục chỉ quan tâm đến tiền bạc và vật chất thì rồi đến lúc nào đó, khi rút các khoản hỗ trợ, người Ơ Đu sẽ mất cả năng lực sinh tồn của mình. Lúc đó, ai sẽ nuôi họ?

(Còn nữa)

Bài và ảnh: BÙI HÀO