Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để gần dân

Không phải ngẫu nhiên mà một thời gian dài, các hoạt động tà đạo ở huyện Mường Nhé lại diễn ra mạnh mẽ, gây mất an ninh, trật tự địa bàn. Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Nhé thẳng thắn thừa nhận, ngoài lý do đời sống dân bản khó khăn, trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế, thì kinh nghiệm của một bộ phận cán bộ làm công tác tôn giáo khi giải quyết các sự vụ, sự việc còn gặp lúng túng, hiệu quả chưa cao; công tác nắm tình hình có lúc, có nơi chưa sâu, chưa kịp thời, nhất là công tác quản lý đối tượng hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”.

Cán bộ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên chuyện trò với dân bản ở Mường Nhé. 

Nhiều cán bộ địa phương cho rằng, muốn giúp đồng bào có cuộc sống ấm no, đẩy lùi được tà đạo cũng như nhiều vấn đề nổi cộm khác, thì cần phải có ánh sáng từ các nghị quyết của Đảng dẫn đường chỉ lối. Thời gian qua, Mường Nhé rất chú trọng công tác xây dựng, củng cố và phát triển Đảng ở cơ sở, nhất là khu vực có đông đồng bào theo đạo. Nhiệm kỳ qua, huyện đã xóa được 38 bản trắng đảng viên, thành lập mới 75 chi bộ thôn bản, kết nạp hơn 1.200 đảng viên. Hằng năm, Huyện ủy mở nhiều lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và đảng viên mới, trong đó lồng ghép các chuyên đề với nội dung về dân tộc, tôn giáo và các chính sách đối với lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Huyện ủy thành lập ban chỉ đạo công tác tôn giáo, thành viên là lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, đoàn thể chính trị, thủ trưởng cơ quan phụ trách lĩnh vực và theo dõi các xã về hoạt động tôn giáo.

Đồng chí Pờ Diệu Ninh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Nhé cho hay: "Để nghe dân nói, làm dân tin, các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên thăm hỏi, chúc mừng, giao lưu nhân ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc tới các chức sắc tôn giáo. Hằng năm, huyện tổ chức các hội nghị, các buổi gặp mặt, giao lưu với các chức sắc tôn giáo để nghe trao đổi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tạo không khí cởi mở, hòa nhập. Điều đáng mừng là hoạt động tôn giáo của huyện Mường Nhé đã dần đi vào nền nếp, ổn định. Hiện nay, có 9/11 xã với 70 bản có người theo tôn giáo, 70 điểm nhóm đã được cấp phép đăng ký sinh hoạt tập trung".

Cán bộ Đồn Biên phòng Si Pa Phìn làm việc với xã Phìn Hồ (Nậm Pồ, Điện Biên). 

Đến xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, chúng tôi nghe nhiều người tấm tắc khen ngợi anh Cháng A Dung, Bí thư chi bộ bản Phìn Hồ, người giáo dân trẻ tuổi nhưng năng nổ, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động dân bản đẩy lùi tà đạo. Bản Phìn Hồ có hơn 90% người Mông theo đạo và đã được đăng ký hoạt động. Năm 2018, Chi bộ bản Phìn Hồ được thành lập, hiện nay, chi bộ đã có 3 đảng viên là người theo đạo. Để giúp bà con thoát nghèo, vừa qua, anh Dung bàn với anh Cháng A Chư, Trưởng bản, kiêm Trưởng nhóm đạo Tin Lành bản Phìn Hồ thử nghiệm mô hình nuôi giun quế và nuôi trâu vỗ béo tại nhà. Khi thấy có hiệu quả, hai anh tìm cách hướng dẫn bà con mở rộng mô hình, đến nay, nhiều nhà đã thành công, có của ăn của để. Anh Dung tâm sự: “Từ khi trên địa bàn huyện Nậm Pồ xuất hiện các tà đạo, mỗi lần họp bản, tôi đều tuyên truyền cho bà con nên giữ vững đức tin và giáo lý của đạo mình mà tránh xa các đạo lạ. Vui mừng là dân bản mình tin theo, đến nay, bản chưa có tà đạo xâm nhập, bà con đoàn kết một lòng”.

Đoàn Kinh tế quốc phòng 379 (Quân khu 2) giúp dân làm nhà ở huyện Nậm Pồ. 

Huyện Nậm Pồ có hai tôn giáo chính đang hoạt động với khoảng hơn 26.300 tín đồ, sinh hoạt tại 102 điểm nhóm, trong đó 93 điểm nhóm đã được cấp phép đăng ký sinh hoạt tập trung, có 59 đảng viên là người theo tôn giáo (nhiều nhất trong toàn tỉnh). Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nậm Pồ: Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo khá ổn định, đó là nhờ các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức thực hiện hiệu quả việc phát triển đảng viên là người có đạo. Những đảng viên theo đạo bằng uy tín của mình đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Sát cánh cùng dân bản

Tháng 5-2011, Thượng tá Lầu A Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Kè đã có những ngày ăn cơm nắm, ngủ lán để vận động đồng bào trở về trong vụ tụ tập hơn 1.000 người ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè đòi "lập nhà nước" riêng. Đó là chuyện của 10 năm trước. Lật cuốn sổ làm việc, Thượng tá Lầu A Tú vui mừng cho chúng tôi xem lá đơn còn chưa ráo mực của công dân Sùng A Thanh, bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè tình nguyện ra khỏi tà đạo “Bà cô Dợ”. Anh Tú cho hay, trước đó, 10 gia đình khác gồm 62 khẩu đã tự nguyện ký vào bản cam kết từ bỏ tà đạo; xã đã cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo cho 8/14 điểm nhóm. Để làm được điều này là nhờ cấp ủy, chính quyền và quân đội đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho dân bản.

 Cán bộ Đoàn Kinh tế quốc phòng 379, Quân khu 2 giúp dân làm nhà ở huyện Nậm Pồ.

Chúng tôi trở lại bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, nơi từng được coi là điểm nóng của tà đạo. Thiếu tá QNCN Hoàng Trọng Thảo, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Kè cho biết: “Trong bản có hai điểm nhóm đạo Tin Lành. Khi tà đạo lan truyền, tổ công tác cùng chính quyền địa phương vào cuộc, ngày đêm tuyên truyền cho bà con hiểu về tôn giáo chính thống. Mới đầu, nhiều người không nghe, cứ thấy bộ đội đến là đi trốn, hoặc ký giấy cam kết rồi nhưng lại tự hủy ngay. Quyết tâm không thể đầu hàng trước cái xấu, với phương châm bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng Mông với đồng bào, dần dần bà con cũng tỉnh ngộ và từ bỏ tà đạo”.

Những ngày công tác tại Công an huyện Mường Nhé, chúng tôi được tiếp cận 3 tập tài liệu tuyên truyền khá đặc biệt. Nội dung của 3 tập sách này tựa như cẩm nang nghiệp vụ, giúp cán bộ và nhân dân hiểu rõ bản chất phản động của các loại tà đạo. Thế nhưng, theo Thiếu tá Vũ Văn Hưng, Trưởng công an huyện Mường Nhé, có trong tay quyển cẩm nang rồi cũng chưa đủ, mà từng cán bộ phải cụ thể hóa các nội dung rồi thực hiện “3 bám, 4 cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để tuyên truyền cho dân bản bằng nhiều thứ tiếng của đồng bào.  

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải gặt lúa giúp dân ở huyện Mường Nhé. 

Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho hay, những năm qua, Công an tỉnh đã chủ động gặp gỡ, tranh thủ phát huy vai trò của hơn 1.200 người có uy tín, chức sắc, chức việc trong tôn giáo tham gia tuyên truyền, vận động số người bị ảnh hưởng từ các tà đạo. Công an tỉnh đã tham mưu, phối hợp với các huyện tổ chức 11 hội nghị, 3 cuộc vận động tập trung, tổ chức gần 100 buổi họp dân, kết hợp chiếu phim tuyên truyền tại các bản bị ảnh hưởng với 4.524 lượt người tham gia. Qua đó đã tuyên truyền, vận động giải tán được 13 điểm hoạt động tập trung, với 199 hộ, 1.229 người cam kết từ bỏ tà đạo “Giê Sùa”, 39 hộ, 232 người từ bỏ tà đạo “Bà cô Dợ”. Những đối tượng chủ mưu, cầm đầu vi phạm đã được xử lý kiên quyết, kịp thời theo pháp luật; vạch trần bản chất của chúng trước nhân dân.

Có thể nói, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị tỉnh Điện Biên, từ các cấp ủy đảng, chính quyền sát cánh cùng các đơn vị quân đội, công an, thời gian qua, công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng. Tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh Điện Biên dần ổn định. Các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các chức sắc và đồng bào dân tộc thiểu số có đạo được quan tâm giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật; qua đó tạo được niềm tin, sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Bức tranh khối đại đoàn kết dân tộc, lương giáo đồng lòng “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” ngày càng thêm tươi sáng. Đồng bào dân tộc thiểu số có đạo càng thêm tin vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế-xã hội và chính họ trở thành những “cột mốc” nơi biên cương, góp sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN