Khi chị Nguyễn Thị Xuân, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thăng Bình, ghé sát tai mẹ: “Mẹ ơi! Hôm nay có các anh bộ đội của Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị (TCCT) về thăm mẹ!”. Giọng mẹ Tú run run: “Đứa mô về đó! Anh Hiển phải không?”. Nghe mẹ hỏi vậy, Thượng tá Phạm Thế Hiển, Trợ lý Chính trị, Cục Dân vận, trả lời: “Dạ con Hiển đây mẹ ạ!”.

Đón nhận món quà từ tay Thượng tá Phạm Thế Hiển, mẹ Tú trách yêu: “Các con đến thăm là vui rồi, quà mô mà biếu mẹ suốt như rứa, phải để dành tặng người nghèo nữa chứ!”. Không ai bảo ai, chúng tôi cảm phục trước niềm tin và tấm lòng bao dung, nhân từ của mẹ.

Thượng tá Phạm Thế Hiển bên Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tú.

Trong ký ức của mẹ Tú và lời kể của chị Lương Thị Hậu, thương binh hạng 4/4 (con gái mẹ), chúng tôi cảm nhận được sự mất mát của mẹ là quá lớn lao... Cũng như bao người mẹ khác, mẹ Tú mơ ước có một cuộc sống bình yên, đầm ấm bên chồng con, nhưng kẻ thù đã gieo rắc đau thương trên quê hương Thăng Bình. Căm thù giặc, mẹ tham gia vào lực lượng du kích. Ông Lương Học (chồng mẹ) là Phó trưởng Công an huyện. Noi gương cha, mẹ, chị Lương Thị Thu vừa tròn 17 tuổi, cũng xin vào Huyện đội công tác (nay là Ban CHQS huyện) để trực tiếp cầm súng đánh giặc.

Năm 1968, mẹ nhận hung tin chồng anh dũng hy sinh. Trên đường đi công tác, bị địch phục kích, chồng của mẹ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mới ngã xuống. Bốn năm sau, trên đầu mẹ lại thêm một vành khăn trắng khi con gái là chị Lương Thị Thu ngã xuống ngay chính mảnh đất thấm máu của cha mình trong một trận chiến đấu không cân sức. Nén đau thương, mất mát, mẹ hăng hái hoạt động cách mạng, trực tiếp tham gia tiếp tế, nuôi giấu cán bộ, bị địch bắt tra tấn dã man… Đất nước thống nhất, nhưng lòng mẹ quặn đau. Đêm nhớ đêm, ngày nhớ ngày, hình ảnh chồng và con gái của mẹ như còn lẩn khuất đâu đây…

Theo Thượng tá Phạm Thế Hiển, để góp phần giúp các mẹ vơi bớt nỗi đau và khó khăn trong cuộc sống, các cơ quan thuộc TCCT đã nhận phụng dưỡng 18 Bà mẹ Việt Nam anh hùng của huyện Thăng Bình với mức phụng dưỡng 500.000 đồng/mẹ/tháng. Trong những năm qua, bằng tấm lòng tri ân sâu sắc, các cơ quan thuộc TCCT đã nhận phụng dưỡng 64 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thăm hỏi, tặng quà người có công trị giá hàng trăm triệu đồng; xây mới và sửa chữa hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà đồng đội…

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Xuân, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình, khẳng định: “Nhiều năm qua, các cơ quan thuộc TCCT đã có nhiều đóng góp vào hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Các anh luôn sát cánh cùng địa phương phụng dưỡng, chăm sóc những Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tham gia xây nhà tình nghĩa; thăm hỏi, tặng quà người có công… Những việc làm đó góp phần chia sẻ vơi bớt nỗi đau mất mát do chiến tranh để lại”.

Thượng tá Phạm Thế Hiển tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tú.

Thời kỳ chiến tranh, Thăng Bình là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Nam có tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Thăng Bình có 17/22 xã, thị trấn vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đây là địa phương có số lượng người có công lớn với hơn 10.000 liệt sĩ, 1.600 thương bệnh binh. Tính đến nay, toàn huyện có hơn 1.962 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 81 mẹ còn sống.

Chiều Bình Giang (Thăng Bình) trời đổ mưa, se lạnh, nhưng ai cũng cảm thấy ấm lòng bởi tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Mọi người cùng chia sẻ niềm vui với Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tú. Sắp đến ngày 27-7, mẹ Tú cảm thấy ấm lòng, bởi hôm nay đã có các con là Bộ đội Cụ Hồ từ Thủ đô Hà Nội vào thăm, tặng quà, động viên, chăm sóc mẹ với tất cả niềm kính trọng, yêu thương, trọn vẹn nghĩa tình.

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG