QĐND Online - Luật giao thông đường bộ sửa đổi quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn đối với các trường hợp uống rượu bia khi điều khiển ô-tô, xe máy; việc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em ngồi trên mô-tô, xe máy khi tham gia giao thông; độ tuổi được điều khiển phương tiện giao thông…
 |
Cảnh sát giao thông công an tỉnh Thừa Thiên-Huế xử phạt hành vi vi phạm giao thông |
Bắt đầu từ ngày 1-7-2009, Luật giao thông đường bộ sửa đổi có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc. Luật mới có 8 chương, 89 điều, giảm 1 chương và tăng 12 điều so với luật cũ; trong đó bỏ 4 điều, giữ 3 điều, sửa đổi 68 điều, bổ sung 18 điều mới. Các vấn đề được tập trung điều chỉnh trong Luật mới là: việc uống rượu bia khi điều khiển ô-tô, xe máy; trẻ em trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và độ tuổi được điều khiển phương tiện giao thông.
Nếu như Luật giao thông đường bộ năm 2001 chỉ quy định người tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển thì Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định tới 4 loại giấy tờ mà người tham gia giao thông cần mang theo: Đó là: giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Một điểm mới đáng chú ý trong Luật giao thông đường bộ sửa đổi lần này là việc xử lý người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là đối với người lái xe ô-tô, máy kéo máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn. Luật mới cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở. Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng- Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, Bộ Công an cho biết: Khi kiểm tra nồng độ rượu bằng phương pháp thổi vào ống nghiệm nếu người vi phạm có hành vi bất hợp tác, CSGT được bổ sung, sử dụng biện pháp thử bằng giấy quỳ hoặc máy đo thân nhiệt. Các ống thở được trang bị đảm bảo vệ sinh, mỗi người được sử dụng 1 ống khác nhau tránh lây nhiễm bệnh. Đối với các hành vi chống đối lại lực lượng cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ, trong Luật mới cũng có quy định về cách ứng xử của cảnh sát giao thông.
Vấn đề mà lực lượng làm nhiệm vụ xử phạt lo ngại là những vướng mắc mà họ có thể gặp phải trong quá trình thực hiện Luật giao thông đường bộ sửa đổi. Ví dụ như làm thế nào để xác định trẻ em ngồi trên xe máy đủ 6 tuổi hay chưa để xử lý nếu không đội mũ bảo hiểm hoặc là người thứ 3 ngồi trên mô-tô, xe máy? Hay như những trường hợp đã đủ 14 tuổi hay chưa khi điều khiển xe mô-tô chở 3 người để xử lý vi phạm…. Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết: những lỗi vi phạm “cũ” đã được quy định trong Nghị định 146/CP thì CSGT vẫn áp dụng để xử lý, còn đối với các lỗi vi phạm mới, không có trong luật giao thông đường bộ cũ, trong khi chờ Nghị định mới có hiệu lực thì trước mắt CSGT và lực lượng chức năng tuyên truyền nhắc nhở.
Bài, ảnh: Trần Lê