Tọa đàm có sự tham dự đại diện các bộ, ban, ngành của Việt Nam, lãnh đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện cộng đồng người Việt Nam ở một số nước châu Âu…
Cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu hiện có khoảng một triệu người, đa phần bà con có cuộc sống ổn định, hội nhập và đóng góp tích cực cho xã hội sở tại, có nhiều trí thức và doanh nhân thành đạt. Nhiều người thường xuyên về Việt Nam, tham gia mọi mặt của đời sống xã hội trong nước, như đầu tư, kinh doanh, mua nhà ở, làm việc, tham gia vào các hoạt động khoa học công nghệ, từ thiện, nhân đạo... góp phần vào sự nghiệp chung xây dựng và phát triển đất nước.
 |
Quang cảnh tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội. |
Tuy nhiên, một số nước châu Âu gần đây có thay đổi về chính sách quốc tịch, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Bà Tô Minh Thu, Phó đại sứ Việt Nam tại Anh cho biết, hiện có khoảng 100.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Anh, trong đó khoảng 40% có hai quốc tịch.
“Ở Anh không yêu cầu phải bỏ quốc tịch nên Đại sứ quán Việt Nam tại Anh không phải giải quyết thủ tục xin cấp quốc tịch. Vấn đề ở chỗ trẻ em Việt Nam sinh ra tại Anh gặp phải một số khó khăn trong quá trình nhập hộ tịch”, bà Tô Minh Thu nêu.
 |
Lãnh đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và bà con kiều bào tham dự tọa đàm theo hình thức trực tuyến. |
Tại tọa đàm, các đại biểu nghe 15 tham luận trong đó đề cập tới những chính sách pháp luật mà kiều bào quan tâm như: Quốc tịch, xuất nhập cảnh, nhà ở, đất đai, bầu cử, đầu tư, làm việc, vai trò của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài... Đây cũng là những vấn đề được nhiều người Việt Nam ở nước ngoài nêu trong chương trình khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài về chính sách pháp luật và các thủ tục hành chính liên quan do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao chủ trì, phát động.
Kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đánh giá cao ý kiến của các đại biểu và khẳng định, những ý kiến đóng góp của kiều bào là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nguyện vọng chính đáng của bà con kiều bào.
Tin, ảnh : PHƯƠNG LINH