Theo báo cáo của Vụ Bảo trợ xã hội và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, hiện nay ở nước ta có 5,3 triệu người tàn tật và 155 nghìn trẻ em mồ côi, chiếm 6,4% dân số. Tuy nhiên con số này có xu hướng ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân như tai nạn bom mìn, ảnh hưởng của chất độc da cam, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thiên tai... Những người tàn tật-họ là ai, họ đang cần gì?

Vượt lên số phận

- Tôi là anh cả trong một gia đình nông dân nghèo, bất hạnh, 3 trong số 5 anh em bị mù.

Anh Nguyễn Xuân Trường, một người khiếm thị đã mở đầu câu chuyện về đời mình với tôi như thế. Tiếp xúc với anh, nhìn vẻ bề ngoài điềm tĩnh của anh, ít ai biết anh đã phải trải qua những sóng gió, gian nan, vất vả trong cuộc sống. Anh kể:

- Vì lo chạy chữa cho 3 anh em tôi mà bố mẹ phải ngược xuôi đủ đường, cơm không đủ ăn. Cái Tết sang nhất, trong nhà tôi có duy nhất một chiếc chân giò lợn. Mẹ tôi cứ cầm chiếc chân giò lợn đi đi lại lại trong nhà, rồi khóc nức nở: “Mẹ sinh các con ra mà không cho các con được một cuộc sống đủ cơm, đủ áo”.

Thay những giọt nước mắt của mẹ bằng những điểm 9, điểm 10 của 12 năm đi học. Tốt nghiệp phổ thông Trung học, Trường thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội. Những hy vọng mới có thể tìm lại ánh sáng cho mình, cho các em và cho nhiều người cùng cảnh ngộ bắt đầu nhen nhóm trong trái tim anh.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng, chị Trần Thị Tuyết Nga và con trai trong đoàn đại biểu người khuyết tật Đồng Tháp tham dự hội nghị biểu dương lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội

Nhưng học đến kỳ thứ 3 thì anh không theo được nữa, thị lực, sức khỏe giảm sút rất nhiều. Không thực hiện được ước mơ tự mình chữa lành đôi mắt cho mình và cho các em, anh tìm đến với những người mù, sẻ chia, cảm thông và gieo vào lòng họ niềm tin yêu cuộc sống, ánh sáng văn hoá bằng tất cả tình thương, lòng nhiệt huyết của một người thầy. Anh chính là tấm gương, là chỗ dựa tin cậy xoa dịu những đớn đau, bất hạnh của lớp lớp những học viên của Trung tâm phục hồi chức năng cho người mù, Hội người mù Việt Nam.

Chủ nhân của “bàn tay vàng” là em Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ở thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Hai chân, hai tay đều bị dị dạng, em nhỏ bé, lọt thỏm trong chiếc xe lăn, nhưng ánh mắt vẫn ngời lên niềm vui khi nghe tôi hỏi:

- Em đã học vẽ như thế nào?

- Ban đầu em tập vẽ bằng cách ngậm bút vào miệng, nhưng việc đưa bút rất khó khăn, miệng mỏi nhừ. Em lại tiếp tục tập vẽ bằng cách một tay vịn vào chiếc bút, tay kia giữ. Những ngày đầu tay em sưng vù, thâm tím.

Bền bỉ rèn luyện, vượt qua những khó khăn và đau đớn thể xác, em đã thành công. Nhiều bức tranh em vẽ trên giấy màu đã nhận được giải thưởng trong các cuộc thi vẽ tranh toàn quốc về chủ đề Ngôi trường ước mơ, Liên hoan Mỹ thuật Châu Á lần thứ 6, Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi Quốc tế ENIKKI của Nhật Bản… Bằng vẽ tranh, em đã thực hiện được một niềm khao khát bấy lâu nay, bức tranh “Ước mơ có được cha mẹ” của em đạt giải nhì lứa tuổi 5-8. Tuy nhiên, bức tranh được giải mà đến nay em vẫn chưa có cha, mẹ...!

Gặp anh Nguyễn Xuân Năng lần đầu, nhìn thấy đôi cùi tay lơ lửng của anh, tôi không thể nào hình dung được trước mặt mình lại là một vận động viên bóng bàn. Khi xem thước phim tài liệu về những ngày anh luyện tập để trở thành một vận động viên bóng bàn mới thấy hết những gian nan, cực khổ. Với một người lành lặn, rèn luyện để trở thành một vận động viên không phải là chuyện dễ, mà anh, chỉ bằng đôi cùi tay đã mang về cho đất nước nhiều huy chương từ giải Para Games III ở Phi-líp-pin, là cả một sự khổ công thấm nhiều nước mắt và mồ hôi... Ngày thường, ở Tiểu khu 5, thị trấn Tĩnh Gia, người ta vẫn thấy một ông thợ sửa xe đạp chỉ bằng 2 cùi tay, thao tác nhanh nhẹn, khéo léo. Đó chính là anh.

Còn nhiều, nhiều lắm những tấm gương người tàn tật. Tất cả họ đang ngày đêm rèn luyện, phấn đấu, đi lên bằng chính nghị lực của mình, đóng góp một phần không nhỏ cho cộng đồng, cho xã hội. Bằng những việc làm của mình, họ muốn phát đi một thông điệp rằng, khuyết tật chỉ là sự bất tiện chứ không phải hoàn toàn là bất hạnh cho những ai không chịu khuất phục số phận.

Cần lắm những tấm lòng

Hiện nay, đa số người tàn tật sống cùng gia đình có mức sống nghèo hoặc dưới trung bình. 50% người tàn tật đang tham gia hoạt động với những việc làm khác nhau, nhưng thực chất chỉ có 30% trong số này có việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định.

Thành lập năm 1992, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam đã tích cực tham gia cùng với Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho người tàn tật có cuộc sống tốt hơn; vận động, tập hợp các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho họ. Bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, chủ tịch cho biết:

- Tuy hoạt động của Hội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng chứng kiến sự vươn lên, khẳng định vị trí của mình của những người tàn tật, người làm công tác bảo trợ, chúng tôi rất phấn khởi, hạnh phúc. Mong muốn những hoạt động của Hội sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho trẻ em mồ côi, người khuyết tật trên cả nước chia sẻ khó khăn, bất hạnh mà họ gặp phải. Khó khăn lớn nhất trong hoạt động hiện nay của Hội là việc dạy nghề và sắp xếp việc làm cho người tàn tật, làm sao cho phù hợp với khả năng, vừa đảm bảo có thu nhập ổn định? Gần đây nhất, Hội đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật từ thiện “Một trái tim một thế giới” lần thứ 4, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân nhân đạo trong và ngoài nước. Tổng số tiền đã quyên góp được trong chương trình này là hơn 10 tỷ đồng.

Đúng như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: “Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn hết lòng yêu thương, chung tay giúp đỡ những người tàn tật, trẻ mồ côi vượt qua khó khăn, phát huy khả năng để hoà nhập cùng xã hội”.

Bài và ảnh: VŨ ĐẠT, NGUYỄN VÂN