Bà Y Blim, ở làng Grập, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngắm nhìn căn nhà của mình đang dần hình thành. Mỗi viên gạch đặt xuống, bà lại thấy vui sướng, hạnh phúc vì sắp được thoát khỏi cảnh sống trong ngôi nhà tạm bằng tôn chưa đầy 10m2, mùa mưa thì dột, mùa khô thì nóng không sao ngủ được. Căn nhà của bà Y Blim là món quà của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Long Biên (TP Hà Nội) tặng trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tháng 3 vừa qua. Khi đoàn công tác của Hội LHPN quận Long Biên, Hội LHPN huyện Sa Thầy và cấp ủy, chính quyền địa phương, BĐBP tỉnh Kon Tum đến kiểm tra quá trình xây dựng nhà, đôi mắt bà Y Blim ngấn lệ. Bà bắt tay cảm ơn từng người.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên (TP Hà Nội) trao quà tặng hội viên phụ nữ xã biên giới Rờ Kơi (Sa Thầy, Kon Tum). 

Chị Chu Thị Huế, Phó chủ tịch Hội LHPN quận Long Biên nói với mọi người: “Có lẽ giấc mơ về một căn nhà kiên cố, khang trang, che mưa, che nắng đã ấp ủ, dồn nén từ lâu khiến bà Y Blim xúc động. Thế mới thấy Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” thiết thực và ý nghĩa biết bao. Chương trình đã mang những phần quà và tình cảm, sự sẻ chia, đồng hành của hội viên phụ nữ, người dân Thủ đô dành cho phụ nữ khu vực biên giới”.

Theo chị Huế, ngoài bà Y Blim, trong đợt này, Hội LHPN quận Long Biên còn tặng một căn nhà cho bà Y Tring, ở làng Kđin, xã Mô Rai; trao 100 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng tặng gia đình chính sách, người có công, hội viên phụ nữ khó khăn và 20 chiếc xe đạp tặng các em học sinh trên địa bàn xã Mô Rai và Rờ Kơi (huyện Sa Thầy). Ngoài ra, Hội LHPN quận Long Biên và Quỹ tâm hồn đẹp đã trao máy tính xách tay, máy lọc nước, đèn năng lượng mặt trời... tặng Hội LHPN huyện Sa Thầy, Đồn Biên phòng Mo Rai, Đồn Biên phòng Ia Dom, Đồn Biên phòng Rờ Kơi (BĐBP tỉnh Kon Tum); đến thăm và trao quà tặng học sinh trường mầm non; thăm các gia đình hội viên phụ nữ xã Mô Rai... Tổng trị giá của chương trình gần 280 triệu đồng.

Kon Tum là tỉnh có đường biên giới dài hơn 292km tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia. Khu vực biên giới có 99 thôn, 13 xã thuộc 4 huyện: Sa Thầy, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Ia H’Drai. Đây là những địa bàn hạ tầng kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 23%; đối tượng phụ nữ, trẻ em chịu nhiều thiệt thòi... Trước thực trạng này, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp huy động nguồn lực hỗ trợ người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và mang lại nhiều giá trị to lớn.

Đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên (TP Hà Nội) trao quà tặng Đồn Biên phòng Rờ Kơi (Kon Tum). 

Thượng tá Phạm Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Kon Tum cho biết: "Chương trình tập trung vào 4 mục tiêu chính: Truyền thông nâng cao nhận thức hội viên phụ nữ và toàn xã hội về phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; duy trì và xây dựng mới các mô hình sinh kế bền vững ở khu vực biên giới; nâng cao hiệu quả hoạt động của hội phụ nữ cơ sở; phối hợp thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Đến nay, BĐBP tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền và mở những chuyên mục, chuyên trang, lập các Fanpage, nhóm Zalo, Facebook tuyên truyền hiệu quả. Duy trì, củng cố, phát huy các mô hình phát triển kinh tế hay, đồng thời xây dựng nhiều mô hình mới phù hợp với tình hình thực tiễn như: "Tổ phụ nữ liên kết trồng sâm dây”; “Tổ phụ nữ liên kết nuôi lợn thịt”; "Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản"; "Trồng cây mít Thái". Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trao hàng nghìn suất quà tặng hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo ở khu vực biên giới".

Theo đồng chí Y Chít, Phó chủ tịch UBND xã Rờ Kơi: Thông qua Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, nhiều gia đình hội viên phụ nữ ở khu vực biên giới đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua đó, xây dựng sức mạnh mềm và tạo lập thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, nhất là “thế trận lòng dân” để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính sách xem các tin, bài liên quan.