Chị Y Rưới, mẹ của A Hân, A Háo xúc động kể lại: “Tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ hai cháu nhà tôi lại được đi học tiếp. Năm 2017, chồng tôi không may bị bệnh qua đời, gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tôi động viên cháu A Hân nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ làm rẫy. Cháu thương mẹ nhưng không muốn nghỉ học, đi làm thì chớ, về đến nhà là mở sách ra đọc rồi khóc.

Lãnh đạo xã Ya Xiêr và cán bộ Ban CHQS huyện Sa Thầy đến thăm, động viên gia đình em A Hân, A Háo. 

Đúng thời điểm đó, Ban CHQS huyện Sa Thầy đến nhận đỡ đầu và giúp cháu tới trường. Các anh đã tặng hai chiếc xe đạp cho hai cháu, cùng nhiều áo quần, sách vở, đồ dùng học tập và hỗ trợ mỗi cháu 300.000 đồng/tháng. Giờ cháu A Hân đã học lớp 9, cháu A Háo học lớp 8. Tôi thật lòng biết ơn các anh bộ đội rất nhiều!”.

Theo Thiếu tá A Lương, Trợ lý Chính trị Ban CHQS huyện Sa Thầy, ngoài hỗ trợ vật chất, tiền cho em A Hân, A Háo thì hằng năm, Ban CHQS huyện còn huy động cán bộ, chiến sĩ, dân quân giúp gia đình chị Y Rưới làm đất rẫy, thu hoạch mùa, hướng dẫn tăng gia, chăn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình, tạo điều kiện tốt nhất cho em A Hân, A Háo tới trường. “Từ thành công trong việc giúp đỡ em A Hân, A Háo đến trường, tới đây, Ban CHQS huyện Sa Thầy sẽ nghiên cứu huy động nguồn lực để giúp các em khác. Càng nhiều em học sinh nghèo được hỗ trợ càng tốt”, Thiếu tá A Lương chia sẻ.

Đánh giá về mô hình trên, đồng chí A H'Mão, Phó chủ tịch UBND xã Ya Xiêr tâm đắc: “Cách làm này rất hay, nó xuất phát từ tình cảm của Bộ đội Cụ Hồ với nhân dân. Đối với Ya Xiêr là một xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm hơn 32% nên chúng tôi trân trọng mọi nguồn lực, mọi hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân của LLVT địa phương”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ có mô hình “Giúp đỡ học sinh nghèo tới trường” mà nhiều thôn, làng có đường sá sạch đẹp, khang trang, vườn cây của chị Y Rưới, ông A Hiểu, A Nhức và nhiều hộ gia đình khác luôn xanh tốt là nhờ công sức của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Các anh đã tận dụng mọi thời gian để về từng thôn, làng, đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, mô hình “Giúp đỡ học sinh nghèo tới trường” đang được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong LLVT tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, đã có 47 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu đến khi học hết trung học phổ thông với kinh phí 300.000 đồng/em/tháng, cùng nhiều quà tặng khác. 

Để duy trì mô hình, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh Kon Tum một mặt giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, xem việc giúp đỡ học sinh nghèo tới trường vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm, sự tri ân đối với nhân dân. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để khảo sát nắm chắc hoàn cảnh, nhu cầu của gia đình học sinh, xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp; huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm, đẩy mạnh tăng gia sản xuất trong đơn vị để tạo nguồn vốn thực hiện.

Đại tá Trịnh Ngọc Trọng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum khẳng định: "Hiệu quả từ các mô hình cho thấy trách nhiệm, quyết tâm chính trị rất cao của LLVT tỉnh Kon Tum; góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...".

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN