Theo đó, trong dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đang đề xuất 2 phương án đối với những người lao động có ý định hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo quy định của luật hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội dưới 20 năm, nếu sau 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì được rút một lần. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi thì giữ nguyên quy định này và bổ sung thêm phương án 2 cho người lao động rút 50% tổng thời gian đóng, một nửa còn lại bảo lưu trong hệ thống để đến khi về hưu sẽ được hưởng quyền lợi.

Cụ thể:

Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành, tức lao động tham gia dưới 20 năm bảo hiểm xã hội và sau 12 tháng nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được rút một lần.

Theo phương án này, lao động được rút toàn bộ quá trình đóng nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.

Phương án 2 là cho lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

leftcenterrightdel

Theo quy định của luật hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội dưới 20 năm, nếu sau 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì được rút một lần. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn.

Khi bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ có 4 lựa chọn:

+ Tiếp tục đi làm và đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu;

+ Người đủ tuổi nghỉ hưu chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội được chọn đóng một lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu;

+ Chọn nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng;

+ Tiếp tục rút bảo hiểm xã hội một lần.

* Theo các cơ quan chuyên môn, nếu phương án 2 được thông qua sẽ được xem là hài hòa lợi ích trước mắt của người lao động, cũng như vẫn “giữ” được người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội, để sau này người lao động vẫn còn "của để dành” khi hết tuổi lao động.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cũng đã có góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến, cụ thể là vào thời gian chờ 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì được rút một lần.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho rằng điều kiện 12 tháng chờ không có tác dụng hạn chế rút, ngược lại có thể khiến lao động tìm đến tín dụng đen, ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội khi xảy ra tranh chấp...

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất rút ngắn thời gian chờ rút, tối đa còn 4 tháng. Lý do là bởi lao động chọn khoản một lần để giải quyết khó khăn cấp bách, do đó, việc đặt ra điều kiện phải chờ một năm sau nghỉ việc mới được rút không phù hợp mục đích, bản chất của bảo hiểm xã hội một lần...

 

Đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương là thách thức lớn nếu không có những thay đổi căn cơ trong chính sách bảo hiểm xã hội.

Cũng theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giai đoạn 2016-2020 bình quân cho thấy, mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 10 năm trở lên.

THẢO PHƯƠNG