Lâu nay ta vẫn cho rằng Việt Nam có một ưu thế cạnh tranh là nguồn nhân công giá rẻ, dồi dào. Nhân công rẻ là một yếu tố làm hạ giá thành sản phẩm, đem lại thêm lợi nhuận cho người sử dụng lao động. Thế nhưng, liệu chúng ta có nên cứ mãi cho rằng đó là yếu tố cạnh tranh trong thu hút đầu tư?

Một con số thống kê mới được công bố đã khiến người ta phải giật mình, lo lắng. Đó là, mặc dù đã có khoảng 500.000 kỹ sư hành nghề chuyên nghiệp, nhưng đến nay Việt Nam mới có 108 kỹ sư đủ tiêu chuẩn công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN. Phân tích con số này, tiến sĩ Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch Hội đồng đăng bạ kỹ sư Việt Nam cho biết, một trong những mặt yếu của kỹ sư chuyên nghiệp Việt Nam là trình độ ngoại ngữ kém, hạn chế khả năng hợp tác và hội nhập với khu vực cũng như thế giới.

Lao động Việt Nam tại một liên doanh nước ngoài (ảnh internet)

Có một thực tế phải thừa nhận rằng, đội ngũ nhân lực cao cấp của Việt Nam vẫn còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực. Hằng năm, tỷ lệ công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam được đăng tải trên tạp chí quốc tế chỉ có 0,02%, trong khi, In-đô-nê-xi-a là 0,04%, Thái Lan 0,11%, Xin-ga-po 0,25%...

Nguồn nhân lực cấp cao vừa thiếu, vừa bộc lộ những hạn chế. Trong khi, nguồn nhân lực trung và sơ cấp khá dồi dào, nhưng rất hạn chế về năng lực. Đặc biệt, chúng ta còn thiếu một đội ngũ công nhân kỹ thuật bậc cao.

Nhân lực trình độ không cao thì đương nhiên sẽ không thể làm ra giá trị sản phẩm cao được. Vì thế, nếu tính toán về giá trị sản phẩm, nhân lực giá rẻ chưa chắc đã rẻ, nhân lực giá cao chưa chắc đã là đắt. Do đó, nên nhìn nhận lại về cái giá “đắt”, “rẻ” của nguồn nhân lực. Trong cạnh tranh thu hút đầu tư, một nguồn nhân lực có giá rẻ nhưng thiếu trình độ, và một nguồn nhân lực có tay nghề với giá hợp lý, liệu ai sẽ hơn ai?

Nhiều năm qua, chúng ta đã rất chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động phổ thông và đào tạo nhân lực trung, cao cấp. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Lao động lành nghề vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt.

Để đất nước nhanh chóng tiến đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta không thể không chuẩn bị một nguồn nhân lực có trình độ. Muốn có nguồn nhân lực ấy, nhất thiết phải đầu tư cho yếu tố con người, tức là giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, sự đầu tư ấy phải có trọng điểm, tránh tràn lan, vừa gây lãng phí, vừa không đạt được hiệu quả mong đợi.

Một nguồn nhân lực có trình độ, tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ xã hội, sẽ đem lại sức cạnh tranh mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển.

SĨ BÌNH