Hội thảo quốc tế về đa dạng sinh học (ĐDSH) và biến đổi khí hậu (BĐKH) vừa được tổ chức ở Hà Nội đã đưa thông tin làm nhiều người giật mình: Việt Nam là một trong 2 nước bị ảnh hưởng nặng nhất của quá trình biến đổi khí hậu dẫn tới mực nước biển dâng cao. Nhiều vùng đất rộng lớn, trù phú của nước ta là nơi cư trú của hàng chục triệu dân sẽ chìm trong nước biển. Chúng tôi đã trao đổi với Tiến sĩ (TS) Vũ Văn Triệu, Trưởng Đại diện của IUCN (Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế) tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.
12,2% diện tích đất của Việt Nam sẽ bị nhấn chìm
- Nhiều người thật sự lo ngại trước thông tin, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới (sau Băng-la Đét) trong bảng thống kê những nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi mực nước biển dâng lên một mét. Xin ông cho biết rõ hơn về thông tin này?
- Thông tin đáng lo ngại này được đưa ra trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, khi nước biển dâng lên 1m thì 12,2% diện tích đất của Việt Nam, là nơi cư trú của 23% dân số (khoảng 17 triệu người) sẽ ngập chìm trong nước biển. Lo ngại hơn, những vùng bị ngập nặng đều thuộc hai vựa lúa chính của nước ta là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Nếu điều này xảy ra thì thật đáng sợ.
- Nguy cơ này sẽ xảy ra vào thời điểm nào, thưa ông?
- Trong thế kỷ 20, mực nước biển đã cao hơn so với trước đó 17cm. Các tác giả của nghiên cứu trên tính toán rằng với tốc độ hiện nay, đến năm 2100 mực nước biển có thể dâng cao thêm từ 19-58cm. Theo phân tích của GS-TSKH Trương Quang Học và TS Võ Thanh Sơn thuộc Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường-Đại học Quốc gia Hà Nội thì vào năm 2070 mực nước biển lên cao thêm từ 15-90cm so với hiện nay. Nếu thế thì hiểm họa từ biển đã cận kề.
- Hiểm họa nước biển dâng do quá trình BĐKH khiến cho Trái Đất nóng lên, đẩy nhanh quá trình tan băng ở hai địa cực đã được cảnh báo nhiều. Nhưng việc Việt Nam chúng ta nằm ở đầu tốp những nước bị ảnh hưởng nặng nhất của nguy cơ trên là rất bất ngờ với nhiều người.
- Đúng là nguy cơ BĐKH khiến Trái Đất nóng lên làm nước biển dâng cao đã được cảnh báo từ lâu. Mỗi ngày, Trái Đất vẫn đang dần nóng hơn và mực nước biển vẫn đang dâng lên cao hơn. Nhiệt độ Trái Đất đã tăng 0,6oC so với thế kỷ 20 và dự kiến có thể tăng thêm 1,4 đến 5,80C vào năm 2100. Nhiệt độ tăng sẽ làm sự sống của con người bị đe dọa.
 |
Tiến sĩ (TS) Vũ Văn Triệu, Trưởng Đại diện của IUCN (Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế) tại Việt Nam |
Nguyên nhân chính của sự biến đổi khí hậu là do tác động của khí thải qua các hoạt động của con người (66% là khí CO2) cộng với hơi nước gây hiệu ứng nhà kính. Các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông và sinh hoạt (chủ yếu do sử dụng một lượng lớn chất đốt trong khu vực năng lượng và giao thông) đã làm tăng nồng độ các loại khí gây hiệu ứng nhà kính (CO2,, N2O, NO, CH4, H2S, bụi và hơi nước).
Do được hình thành từ quá trình khai hoang lấn biển, một số vùng đất ven biển của Việt Nam khá thấp so với mực nước biển. Hệ thống đê bảo vệ của chúng ta lại chưa được hoàn thiện nên nước biển dâng cao 1 mét sẽ gây ra thiệt hại không lường hết được.
Phải hoàn thiện kế hoạch quốc gia về BĐKH và bảo vệ ĐDSH
- Theo ông, biện pháp để ngăn chặn nguy cơ này là gì?
- Cần phải thấy rằng đây là nguy cơ mang tính toàn cầu, muốn giải quyết cần phải có sự nỗ lực của toàn nhân loại. Tốc độ của quá trình BĐKH làm nước biển dâng cao nhanh hay chậm phụ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế cùng với ý thức của con người. Các nước, nhất là các nước công nghiệp phát triển cần phải thực hiện tốt các điều khoản trong Nghị định thư Ki-ô-tô về cắt giảm mức phát thải khí nhà kính.
Về phía Việt Nam, có mấy biện pháp tự vệ cần được thực hiện. Thứ nhất, phải xây dựng một hệ thống đê biển vững chắc, bắt đầu từ những vùng thấp trước. Đê biển ở đây không chỉ là hệ thống đê bê tông, cốt thép mà còn phải kết hợp với hệ thống rừng ngập mặn. Người ta nhận thấy rằng, trong đợt sóng thần khủng khiếp cuối năm 2004 gây thiệt hại nặng nề cho In-đô-nê-xi-a, Thái Lan…, những nơi nào có hệ thống rừng ngập mặn dày đặc thì thiệt hại do sóng thần sẽ nhẹ hơn. Thứ hai, chúng ta phải nghiên cứu, chuẩn bị sẵn những giống cây công nghiệp, cây lương thực chịu mặn cho những vùng có nguy cơ chịu thiệt hại cao do mực nước biển dâng.
Ngoài ra, việc bảo vệ và phát triển rừng để tạo ra lá phổi xanh điều hòa không khí, hấp thụ các-bo-níc; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường là những giải pháp dài hạn, mang tính triệt để. Nếu Việt Nam đạt được mục tiêu vào năm 2010, 43% diện tích được rừng che phủ sẽ là thành công tuyệt vời.
- Là nước bị ảnh hưởng nặng hàng đầu, theo logic, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc vận động các nước khác, hành động vì mục tiêu chung là ngăn chặn quá trình BĐKH?
- Việt Nam đã tham gia ký kết Nghị định thư Ki-ô-tô từ ngày 25-9-2002. Chúng ta cũng rất tích cực tham gia và vận động các nước tham gia các ký kết quốc tế về vấn đề môi trường. Việt Nam hiện vẫn là 1 trong 20 nước trên thế giới có đa dạng sinh học phong phú nhất. Lượng khí thải công nghiệp của nước ta hiện chưa nhiều. Vì thế cùng với trách nhiệm thực thi các điều ước quốc tế đã ký kết, Việt Nam cũng có quyền yêu cầu các nước phát triển chuyển giao cho mình những công nghệ sạch, thân thiện môi trường.
Quốc tế đánh giá nhận thức của xã hội Việt Nam về vấn đề môi trường đã tốt hơn trước. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nâng cao, quan trọng nhất là đối với những người ở vị trí quản lý, hoạch định chính sách.
Từ năm 1993, Việt Nam đã có bản kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học do Chính phủ phê duyệt, trong đó có quy hoạch các khu bảo tồn rừng, bảo tồn biển. Tôi được biết, sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ dựa trên bản kế hoạch này, để chỉnh sửa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phù hợp với giai đoạn tới.
Xóa nghèo nhờ giữ vững đa dạng sinh học
- Nhiều hội nghị về môi trường đã gắn vấn đề BĐKH với ĐDSH. Hai vấn đề này có mối liên quan như thế nào, thưa ông?
- Mối quan hệ giữa đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu có tác động hai chiều. Biến đổi khí hậu là nguyên nhân quan trọng dẫn tới suy giảm đa dạng sinh học. Đồng thời, sự suy giảm đa dạng sinh học và sự xuống cấp của các sinh cảnh tự nhiên cũng góp phần dẫn tới sự biến đổi khí hậu. Người ta nói rằng mỗi con người trên Trái Đất thở được thứ nhất là nhờ rừng và thứ hai là nhờ đại dương. Sự suy giảm các rạn san hô và nạn phá rừng nguyên sinh và rừng ngập mặn sẽ làm trầm trọng thêm sự biến đổi khí hậu, sự suy giảm đa dạng sinh học và những tác động của chúng.
Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN là một tổ chức độc nhất liên chính phủ có sự quy tụ của 82 quốc gia, 112 tổ chức chính phủ, hơn 800 tổ chức phi chính phủ, gần 40 tổ chức thành viên và khoảng 10.000 nhà khoa học và chuyên gia từ 181 quốc gia khác nhau. Được thành lập vào năm 1948 dưới sự bảo trợ của UNESCO, IUCN là một trong những tổ chức phi lợi nhuận quốc tế lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực môi trường. |
Việc duy trì sự đa dạng sinh học sẽ giúp các hệ sinh thái phục hồi trước một khí hậu đang thay đổi. Rừng và đất than bùn là một nơi chứa khí các-bon-níc quan trọng. Những cánh rừng ngập mặn nguyên vẹn là tấm lá chắn bảo vệ quan trọng chống lại mực nước biển dâng. Nhiều loài cây trồng và vật nuôi là những nguồn lực quan trọng để chống lại những sự thay đổi giữa mùa.
Biến đổi khí hậu là một vấn đề năng lượng và an ninh nhưng đồng thời là một vấn đề môi trường. Sự suy giảm đa dạng sinh học là một vấn đề môi trường nhưng nó cũng đồng thời là một vấn đề kinh tế, tài chính, văn hóa, đạo đức và an ninh.
Hiện nay, các hệ sinh thái đang bị tác động và khai thác quá mức. Hằng tuần có hơn 400.000ha rừng bị phát quang hoặc suy thoái. Chỉ tính riêng từ năm 1980 đến 1995, thế giới đã mất đi khoảng 200 triệu héc-ta rừng. Theo ông Ahmed Djoghlaf, Thư ký điều hành Ban Thư ký Công ước về đa dạng sinh học thì chúng ta đang chứng kiến một làn sóng tuyệt chủng lớn nhất kể từ khi loài khủng long biến mất trên Trái Đất. Cứ mỗi giờ có 3 loài biến mất. Cứ mỗi ngày, có đến 150 loài bị mất đi. Cứ mỗi năm, khoảng 18.000 - 55.000 loài bị tuyệt chủng.
- Người ta thường nói bảo vệ ĐDSH sẽ giúp xóa đói giảm nghèo. Xin ông cho những ví dụ cụ thể những nơi đã thành công trong việc này?
- Dự án xây dựng khu bảo tồn biển ở Hòn Mun (Nha Trang) do IUCN cùng tham gia thực hiện đã thu được thành công. Khu bảo tồn này có diện tích 13.000ha, với khoảng 15.000 người dân sinh sống quanh đó. Trước khi có dự án, người dân thường đánh bắt với phương thức thủ công, thậm chí dùng cả thuốc nổ gây hại cho môi trường nhưng đời sống vẫn rất khó khăn. Khi có dự án, chính quyền khoanh vùng nghiêm cấm đánh bắt. Sau đó, ngư dân được đào tạo, hỗ trợ trở thành hướng dẫn viên du lịch trên những chiếc thuyền có đáy bằng kính để du khách ngắm san hô và các loại cá ở đáy biển. Đời sống ngư dân được cải thiện rõ, mà môi trường, đa dạng sinh học lại được bảo vệ.
IUCN Việt Nam đã lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan, tổ chức để xây dựng 15 khu bảo tồn biển tương tự như vậy trên cả nước. Hiện hai khu bảo tồn biển ở Cù Lao Tràm (Quảng Nam) và Phú Quốc (Kiên Giang) đang được xúc tiến xây dựng.
Nếu hiển thị môi trường, kinh tế và xã hội là ba vòng tròn thì sự giao thoa của ba vòng tròn ấy chính là sự kết hợp hài hòa, là nền tảng cho phát triển bền vững. Chính sách môi trường quá khắc nghiệt thì không thể phát triển được kinh tế. Ngược lại, sự phát triển kinh tế quá nóng sẻ hủy hoại môi trường. Giàu có mà môi trường bị hủy hoại, cuộc sống bị đe dọa thì giàu có cũng vô nghĩa.
Hồ Quang Phương (thực hiện)