Bà con lối xóm ai cũng phấn khởi với niềm vui của người thương binh già khi nhận ngôi nhà mới. Những năm kháng chiến, bà Na tham gia công tác đoàn thể, làm nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực cho bộ đội, giao liên. Bà bị địch bắt, tra tấn, đánh đập hỏng một con mắt. Giờ đây ở tuổi 84, vết thương cũ tái phát, sức khỏe của bà Na ngày càng yếu dần. Hằng ngày, bà và cô con gái tật nguyền sống trong ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp.

Đoàn công tác của Tổng cục Hậu cần trao quyết định tặng nhà tình nghĩa đến bà Phạm Thị Na. 

Do tuổi cao, lại bị thương tật nên bà đau ốm liên miên. Tiền chế độ không đủ để mua thuốc chữa bệnh cho bà và cô con gái tật nguyền, nói gì tới chuyện xây nhà. Căn nhà tạm làm từ ngày xưa theo năm tháng đã xuống cấp trầm trọng, nhưng vì nghèo nên bà Na đành "lực bất tòng tâm". Và rồi niềm mơ ước của bà thành hiện thực khi đoàn cán bộ của Kho 182, Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần) tìm đến.

Sau chuyến khảo sát ấy, bằng nguồn kinh phí được trích từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của Tổng cục Hậu cần, Cục Xăng dầu đã giao Kho 182 thành lập ban chỉ đạo xây dựng, đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình thống nhất phương án thực hiện. Sau gần hai tháng thi công, ngôi nhà được hoàn thiện, khang trang, có đầy đủ hệ thống công trình phụ khép kín... Không chỉ tặng nhà tình nghĩa, Kho 182 còn huy động gần 100 ngày công đào đất, đắp con đường từ đường lớn vào tới nhà mẹ con bà Na...

Trong ngày khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa, mẹ con bà Phạm Thị Na còn nhận được nhiều phần quà ý nghĩa từ lãnh đạo Cục Xăng dầu và Kho 182. Đón nhận món quà từ tay Thượng tá Vũ Hồng Long, Chính trị viên Kho 182, bà Na xúc động không nói nên lời. Đôi vai gầy của bà rung rung... Vậy là từ nay mẹ con bà đã có ngôi nhà mơ ước. Dẫu muộn màng, nhưng đó là tấm lòng thơm thảo của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Tổng cục Hậu cần dành cho bà.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Xăng dầu: Dịp này, Tổng cục Hậu cần cũng trao nhà tình nghĩa tặng ông Lý Me (sinh năm 1940, ở thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Ông Lý Me là con đồng chí Lý Lá, Trung đội phó Trung đội du kích địa phương, hy sinh năm 1954. Ông Me tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bị giặc bắt giam 7 năm tại Phú Quốc. Kẻ địch tra tấn, đánh đập dã man nhưng ông quyết không khai các điểm bố trí của quân ta. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Phậng (sinh năm 1941), tham gia cách mạng từ năm 1966 (nuôi giấu cán bộ, giao liên) cũng bị giặc bắt tù đày. Sau giải phóng, ông bà làm nghề biển, kinh tế chỉ đủ ăn. Ngôi nhà cũ của ông bà nằm trong con hẻm nhỏ, chật chội.

Nhân chuyến về quê hương Bình Sơn, đoàn công tác đã trao 5 suất quà tặng thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn.

Bài và ảnh: VĨNH LỘC - LÊ HIẾU