Từ đó đến nay, tôi đã có nhiều lần trở lại thăm chiến khu cách mạng-nơi có nhiều di tích lịch sử ghi lại dấu ấn ra đời của nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể Trung ương; nơi “phát tích” tờ báo chiến sĩ mang tên QĐND. Là một thành viên trong mái ấm gia đình tòa soạn trở lại Khau Diều vào một ngày trung tuần tháng 1-2020, lòng tôi bâng khuâng, xao xuyến khi được hòa mình vào cảnh xưa người cũ và chứng kiến buổi lễ khánh thành Bia di tích Quốc gia Báo QĐND. Thời tiết cuối đông chuẩn bị sang xuân, núi rừng Việt Bắc như đang cựa mình để sắp bừng lên một sức sống mới. Những đồi cây xanh ngát đã làm cho không gian thôn Khau Diều càng thêm thoáng đãng, trong lành. Giờ đây, cảnh quan Khau Diều như được tô điểm một nét son mới bởi khuôn viên Di tích Quốc gia Báo QĐND vừa được tôn tạo, tu bổ khang trang mà vẫn giữ được vẻ hài hòa với phong cảnh thiên nhiên hiện hữu.
Trước khi diễn ra buổi lễ, tôi đứng từ xa nhìn toàn cảnh khuôn viên bia di tích mà lòng bồi hồi. Có lẽ 7 thập niên về trước, núi rừng Khau Diều còn thâm u, hoang sơ lắm; đường đi lối lại chỉ là những lối mòn, người dân thưa thớt, nhưng tình cảm của bà con dân tộc nơi đây dành cho Đảng, Bác Hồ và bộ đội trong trẻo như suối, thơm ngát như hương rừng. Ông Ma Thịnh Kế, người dân tộc Tày, đã sắp tuổi bát tuần mà dáng vóc vẫn khá sung sức. Ông kể: “Ngày Báo QĐND ra đời tại thôn Khau Diều, tôi mới 9 tuổi. Lúc đó tôi còn bé nên chưa hiểu cách mạng là gì, nhưng vẫn còn nhớ thỉnh thoảng gặp các chú bộ đội qua lại trong thôn”. Sau này lớn lên, ông Kế đi bộ đội 5 năm (1966-1971), tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam rồi bị thương. Trở lại quê hương với tấm thẻ thương binh hạng 4/4, ông Kế tâm niệm một phần cuộc đời mình đã thuộc về quân đội, vì thế luôn quý trọng, yêu thương tất cả những gì đã làm nên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. “Nhà tôi ở cách đây khoảng một cây số, nhưng từ nhiều năm nay, tôi thường lui tới khuôn viên Nhà văn hóa thôn Khau Diều, nơi có Bia di tích Quốc gia Báo QĐND. Vì đây không chỉ là khuôn viên văn hóa khang trang nhất xã Định Biên mà đến đây tôi như được trở lại ký ức một thời quân ngũ trẻ trung, sôi nổi, hào hùng và cũng là một lần nhắc nhớ mình không bao giờ nhạt phai tinh thần Bộ đội Cụ Hồ”, ông Ma Thịnh Kế tâm sự.
 |
Đại tá Ngô Anh Thu, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân và đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng nền móng Long Giang trao quà tặng các đối tượng chính sách ở xã Định Biên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), tháng 9-2020. Ảnh: TUẤN HUY
|
Ngày khánh thành Bia di tích Quốc gia Báo QĐND là dịp hội tụ đặc biệt của nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên tờ báo chiến sĩ. Bên những mái đầu xanh, những phóng viên tuổi xuân phơi phới là những mái đầu ngả bạc, những cây bút gạo cội. Người tuổi đã cao như Thiếu tướng Phan Khắc Hải; người mới trải qua những tháng ngày bệnh tật, sức khỏe vừa hồi phục như Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống; người từng nhiều năm tháng học tập trên đất nước Liên Xô như Trung tướng Lê Phúc Nguyên... Đó là những nhà báo mặc áo lính từng xông pha trận mạc, lên rừng xuống biển và đã góp phần định hình phong cách, làm nên tên tuổi tờ báo chiến sĩ, để lại dấu ấn trong lòng công chúng, song khi trở lại mảnh đất Khau Diều, ai nấy đều rưng rưng xúc động như những người con trở về quê nhà. Đó cũng là tâm trạng của Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó tổng biên tập Báo QĐND (nay là Tổng biên tập) trong lời phát biểu-nói đúng hơn là những lời bộc bạch của một cán bộ có gần 30 năm gắn bó và trưởng thành từ tờ báo chiến sĩ, tại lễ khánh thành: “Hôm nay, chúng ta trở lại Khau Diều là nơi “chôn nhau cắt rốn” của các thế hệ nhà báo chiến sĩ, nơi khởi nguồn của tờ báo chiến sĩ. Từ mảnh đất cội nguồn thiêng liêng này, tờ báo chiến sĩ đã lớn lên, trưởng thành, phát triển và có vị thế, sức vóc lớn mạnh như hôm nay. Trở lại Khau Diều, chúng ta bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ nhà báo lão thành đã xây nền dựng móng vững chắc ngay từ đầu cho các thế hệ nhà báo mai sau kế tục, tiếp nối. Trở lại Khau Diều, chúng ta nặng tình biết ơn cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân địa phương đã hết lòng đùm bọc, chở che các nhà báo chiến sĩ ngay từ những ngày tờ báo ra đời và hoạt động”. Trong niềm tự hào, xúc động trào dâng, Đại tá Đoàn Xuân Bộ đọc một đoạn thơ của Chế Lan Viên rất hợp tình, hợp cảnh: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa/ Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa/ Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa...
Đã chứng kiến nhiều buổi lễ khánh thành các công trình, các di tích, song tôi hiếm thấy buổi lễ nào diễn ra trong không khí vừa trang trọng, vừa thân tình, ấm áp như vậy. Bởi lẽ, với những người làm báo Báo QĐND, về với Khau Diều là về với nhân dân, về nơi “phát tích” của mình, hay như có người nói văn vẻ-là “đất tổ” của tòa soạn, thế nên mọi việc, mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.
Từ nhiều năm qua, mỗi khi hành quân “về nguồn”, đội ngũ những người làm báo Báo QĐND đã có nhiều việc làm thiết thực để “kề vai sát cánh” cùng nhân dân xã Định Biên và bà con thôn Khau Diều trong xây dựng cuộc sống mới, lao động sản xuất, phát triển văn hóa-xã hội... Hỗ trợ kinh phí cho bà con nâng cấp đường đi lại, làm cầu bắc qua suối, xây nhà văn hóa; tặng khung dệt mành cọ đối với phụ nữ; tặng máy vi tính, sách giáo khoa, bút vở đối với các cháu học sinh; tặng quà các gia đình có công, hoàn cảnh khó khăn... là những nghĩa cử tri ân của các nhà báo chiến sĩ đối với người dân trên mảnh đất cội nguồn của tờ báo. Ngay trong dịp khánh thành Bia di tích Quốc gia Báo QĐND, tòa soạn đã trích quỹ phúc lợi và huy động từ các nhà hảo tâm được gần 200 triệu đồng để mua các thiết bị văn phòng tặng UBND xã Định Biên và Nhà văn hóa thôn Khau Diều, trao tặng 50 suất quà động viên các gia đình khó khăn trên địa bàn xã có thêm niềm vui, niềm tin đón Xuân Canh Tý 2020. Bà Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Định Biên, chia sẻ: “Món quà nào cũng trân quý, song món quà của các nhà báo chiến sĩ dành tặng nhân dân địa phương luôn nặng tình ân nghĩa, vì đã góp phần gắn chặt thêm nhịp cầu thân thiết giữa người miền xuôi với người miền ngược”.
Tình cảm thân thương của cán bộ, nhân dân địa phương trong buổi lễ khánh thành Bia di tích Quốc gia Báo QĐND ngày 15-1-2020 khiến tôi nhớ về không khí cách đây 12 năm. Trong dịp đoàn cán bộ, phóng viên “về nguồn” nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Báo QĐND ra số đầu tiên (20-10-1950 / 20-10-2008), khi chuẩn bị chia tay Khau Diều trở về Hà Nội, nhìn thấy đông bà con dân tộc Tày trong bộ trang phục truyền thống đứng ở ven đường giơ tay vẫy chào thân mật, Đại tá Hồ Anh Thắng (sau này là Thiếu tướng), Bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập Báo QĐND, cảm động đọc câu thơ: Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay... Trong cái bắt tay nồng ấm, Chủ tịch UBND xã Ma Khánh Huân mỉm cười, nhắn nhủ: Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?/ Phố đông, còn nhớ bản làng/ Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?... Vốn thuộc nằm lòng bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu, anh Hồ Anh Thắng nở nụ cười tươi duyên, lắc nhẹ vai anh Ma Khánh Huân rất thân mật rồi đáp lại thân tình: Đường về, đây đó gần thôi!/ Hôm nay rời bản về nơi thị thành/ Nhà cao, chẳng khuất non xanh/ Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường/ Ngày mai về lại thôn hương/ Rừng xưa, núi cũ yêu thương lại về!
Ngày 15-1-2020, tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Báo QĐND tổ chức Lễ khánh thành Bia di tích Quốc gia Báo QĐND.
Bia di tích Quốc gia Báo QĐND được làm bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa nguyên khối, có chiều cao 2,77m, đế bia rộng 1,77m, thân bia rộng 1,26m. Mặt trước của bia ghi rõ: “Nơi đây, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh, hai tờ báo Vệ Quốc quân và Quân du kích được sáp nhập thành Báo QĐND và xuất bản số đầu tiên vào ngày 20-10-1950. Trên số báo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”.
Mặt sau bia ghi: “Công trình kỷ niệm 70 năm Ngày Báo QĐND ra số đầu tiên (20-10-1950 / 20-10-2020). |
Ghi chép của THIỆN VĂN