Mới đây, các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có chuyến công tác khảo sát tình hình kinh tế-xã hội tại các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình. Bốn xã trước đây thuộc huyện miền núi Lương Sơn (Hòa Bình) nay mới được sáp nhập về Hà Nội. Bà con nơi đây cũng có lắm tâm tư...
Mong được hiện đại hóa
Cuối con đường Láng Hòa Lạc, đường dẫn vào các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Trung và Yên Bình khấp khểnh, gồ ghề nhưng càng đi khung cảnh càng mở ra thật dễ chịu với màu xanh hút tầm mắt. Đồi núi bao quanh mơn mởn sức sống, thoảng lại có hồ nước trong vắt xen kẽ hoặc con suối vắt qua róc rách.
 |
Trạm y tế xã Tiến Xuân vừa được khánh thành đưa vào sử dụng. |
Ở Đông Xuân và Tiến Xuân, sát bên đường xe đi là những trang trại, nhà vườn nối tiếp nhau với nhiều mô hình thực sự hấp dẫn, được đầu tư xây dựng và chăm sóc rất công phu, đi qua mà cảm giác như đang lạc vào một vùng du lịch sinh thái sầm uất. Xã Tiến Xuân cũng đã được nhiều người biết đến với khu du lịch Suối Ngọc-Vua Bà. Đi xa hơn nữa, lên đến hai xã Yên Trung và Yên Bình, thưa dần bóng dáng các trang trại, khung cảnh trở về đúng với cảnh quê của vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Từng ngọn đồi phủ mượt búp chè non yên ả đón nắng. Xa trên cánh đồng, dáng những người nông dân cần mẫn, khó nhọc dưới ánh mặt trời gay gắt.
Ở cả bốn xã, đa số người dân vẫn sống bằng nghề nông. Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của cả chính quyền và nhân dân, đời sống dần được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể. Xã Tiến Xuân còn 36 hộ nghèo trên tổng số hơn 1.400 hộ (chiếm khoảng hơn 2%); Đông Xuân còn hơn 3% hộ nghèo và Yên Trung thoát khỏi diện 135 năm 2006. Bộ mặt nông thôn sáng sủa với nhiều nhà cửa khang trang; trạm y tế xã mới được đầu tư nâng cấp, xây mới; cơ sở vật chất trường học các cấp được quan tâm nhiều hơn. Các xã đều đã có lưới điện quốc gia nên người dân đã quen thuộc với các thiết bị điện dân dụng. Tuy nhiên, hiện hệ thống đường dây hạ thế của các xã đều không bảo đảm, nhiều nơi còn do người dân tự kéo dây. Đáng chú ý, xã Yên Trung còn có 6 xóm chưa có hệ thống đường dây điện và 137 hộ chưa có điện để dùng. Nước sinh hoạt thì vẫn lấy từ nguồn giếng khơi. Hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã còn yếu kém, phần nhiều là đường đất, ngày nắng thì bụi bặm, ngày mưa đi lại rất khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục còn tồi tàn. Xã Tiến Xuân có 8 lớp mầm non đang phải “đóng quân” nhờ ở nhà kho của hợp tác xã vì chưa có trường. Xã Yên Trung khá hơn thì 9 lớp mầm non mà chỉ có 8 phòng học…
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải phù hợp và có lộ trình
Nêu kiến nghị, lãnh đạo các xã đều mong thành phố sớm quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ đường giao thông, tạo thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Để nâng cao đời sống của nông dân, trước hết cần xây dựng mạng lưới đường dây điện hạ thế đảm bảo an toàn và đưa điện đến 100% hộ dân. Đông Xuân còn mong muốn được xây dựng thêm trạm y tế để có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân. Hiện hầu hết chị em phụ nữ đều đến sinh nở tại trạm y tế, không còn tình trạng thiếu hiểu biết “vượt cạn” tại nhà. Trên địa bàn xã cũng đang rất cần được xây tạo một hồ chứa nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xã Tiến Xuân có khoảng 5km đường ống nước sạch sông Đà chạy qua nên rất mong sớm có hệ thống nước máy phục vụ sinh hoạt. Xã Yên Trung lại đề nghị được đầu tư tu sửa hệ thống cơ sở vật chất của học của cả ba cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn. Hiện không chỉ cơ sở vật chất còn tồi tàn mà học sinh đang thiếu lớp để học…
Xã Yên Bình kiến nghị thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch trên địa bàn, làm sao các dự án đừng lấy đất đang sản xuất nông nghiệp tốt và sản xuất nông nghiệp vẫn phải đóng vai trò chủ đạo. Phát triển kinh tế-xã hội, hiện đại hóa nông thôn cần được tính toán cho phù hợp với môi trường sinh thái, không làm mất đi những nét đẹp của vùng nông thôn.
Hiện trên địa bàn các xã có rất nhiều dự án quy hoạch hoặc đã được giao đất. Đây là việc đáng mừng, từ đó người dân có điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn nói chung và nâng cao đời sống từng hộ dân nói riêng. Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải phù hợp với điều kiện của địa phương, có lộ trình để người dân kịp thời bắt nhịp.
Chia sẻ của Chủ tịch UBND thành phố
Lắng nghe những nguyện vọng đó, chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo bày tỏ sự quan tâm đặc biệt khi yêu cầu Điện lực Hà Nội triển khai ngay việc rà soát hệ thống lưới điện của các xã và chậm nhất đến tháng 10 năm nay phải cung cấp điện trực tiếp cho 100% hộ dân. Đối với đường dây do dân tự kéo cần củng cố, nâng cấp để tiếp tục sử dụng, tránh lãng phí. Về hệ thống đường, trường, trạm, sẽ sớm cử các đoàn công tác chuyên môn tới khảo sát nắm tình hình, có giải pháp, kế hoạch cụ thể. Đồng chí khẳng định, tới đây thành phố sẽ đẩy mạnh việc kiên cố hóa hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó quan tâm đặc biệt tới 4 xã.
Đồng chí chủ tịch UBND thành phố cho rằng, giữ diện tích đất sản xuất nông nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên, giữ như thế nào, đến đâu đều phải căn cứ trên cơ sở mục tiêu quy hoạch chung của Thủ đô. Trong lộ trình chuyển dịch kinh tế phải có những ưu tiên đối với người dân 4 xã trong việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới. Lãnh đạo và nhân dân các xã cần có tinh thần chuẩn bị sẵn sàng để khi thực hiện qui hoạch việc chuyển đổi được thuận lợi, không có những bất cập, đời sống của người dân được nâng cao và ổn định bền vững.
HẠNH NGUYÊN