Kết nối và sẻ chia
Nguyễn Quốc Anh (sinh năm 1997), quê ở Hà Tĩnh, có đam mê về ảnh. Giữa năm 2023, cơ duyên đưa Quốc Anh tham gia nhóm phục dựng ảnh mang tên Skyline, với mong muốn tái hiện chân dung những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Nhóm do Phùng Quang Trung (quê ở Hải Phòng) làm trưởng nhóm, Quốc Anh giữ vai trò phó nhóm. Từ 6 thành viên ban đầu, đến nay, Skyline đã có 15 thành viên, hoạt động gắn bó, nhiệt huyết với các dự án phục dựng di ảnh liệt sĩ miễn phí.
Năm 2024, Quốc Anh và nhóm Skyline phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức Chương trình “Tô màu ký ức”, phục dựng di ảnh 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc cùng hơn 130 bức ảnh chân dung để trao tặng thân nhân các gia đình liệt sĩ quê ở Hà Tĩnh. Các tấm ảnh được bọc trong lá cờ Tổ quốc, trao đến tận tay thân nhân liệt sĩ. Quốc Anh nhớ mãi hình ảnh bà Hoàng Thị Hoàn, gần 70 tuổi, ở xã Kỳ Lạc, tỉnh Hà Tĩnh, con gái của một liệt sĩ. Khi nhận tấm ảnh chân dung người cha từ nhóm Skyline, bà đã ôm chầm lấy di ảnh cha, bật khóc nức nở. “Cha hy sinh hơn 60 năm, nay con mới được gặp cha. Từ nay bàn thờ có ảnh cha rồi, đi ra đi vào cũng có ảnh cha để nhìn lên rồi...”, câu nói của bà khiến mọi người lặng đi vì xúc động.
 |
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Nghệ An tham gia "Bữa cơm tri ân" tại các gia đình chính sách. Ảnh: NGỌC TÚ |
Quốc Anh chia sẻ rằng, việc phục dựng ảnh liệt sĩ không hề đơn giản. Có những tấm hình chỉ còn lại vài nét mờ nhòe, có những trường hợp gia đình hoàn toàn không có ảnh, chỉ còn ký ức mỏng manh của những người thân đã cao tuổi. Để có thể phục dựng những bức ảnh chân thực về hình dáng, sống động về thần thái, chất chứa trọn vẹn ký ức và tình cảm về người đã khuất trong tâm trí người đang sống, Quốc Anh và các thành viên trong nhóm đã dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe và trao đổi tỉ mỉ với thân nhân các liệt sĩ. Chính những câu chuyện, kỷ niệm từ gia đình là chất liệu quý giúp họ tái hiện chân dung người thân một cách chân thực, xúc động.
Tháng 7 này, nhóm Skyline đang tất bật hoàn thiện hơn 300 bức ảnh liệt sĩ để gửi tặng thân nhân gia đình liệt sĩ tại Quảng Trị, nơi từng là chiến trường khốc liệt. Mỗi bức ảnh có giá trị vật chất không lớn nhưng là một nén tâm nhang, lời cảm ơn sâu sắc gửi đến những người đã ngã xuống để đất nước được bình yên. Đây cũng là cách để thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về sự hy sinh, trân quý hòa bình và sống trách nhiệm hơn với quê hương.
 |
Nhóm Skyline trao di ảnh của liệt sĩ tặng thân nhân. Ảnh do Skyline cung cấp |
Giữa cái nắng oi ả của tháng 7, Đoàn Thanh niên xã Đô Lương (Nghệ An) tổ chức Chương trình “Bữa cơm tri ân” và thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn. Điểm dừng chân trong hành trình ý nghĩa ấy là căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Sen (xóm 4 Văn Sơn, xã Đô Lương), thương binh hạng 4/4. Dù tuổi đã cao, ánh mắt bà Sen vẫn ánh lên niềm vui khi đón những người cháu chưa từng gặp nhưng lại đến để cùng bà dùng một bữa cơm thân mật, đầm ấm. Chiếc chiếu cũ được trải ra giữa sân với vài món ăn dân dã do chính tay các bạn trẻ và bà Sen cùng chuẩn bị. Những câu chuyện về một thời bom đạn, về những năm tháng thanh xuân của bà nơi chiến trường được kể lại. Có bạn trẻ rơm rớm nước mắt, có nụ cười chan chứa yêu thương, có cả những cái nắm tay thật chặt như để nối dài thêm sợi dây tri ân giữa các thế hệ. “Chỉ cần các cháu còn nhớ đến thế hệ chúng tôi, thế là ấm lòng lắm rồi”, bà Sen xúc động chia sẻ. Bữa cơm kết thúc, các bạn trẻ nán lại cùng bà dọn dẹp, trò chuyện, chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Dường như ai cũng thấy lòng mình nhẹ nhõm, ấm áp hơn. “Bữa cơm tri ân” như cầu nối gắn kết hai thế hệ, những người từng đi qua khói lửa chiến tranh và lớp trẻ sinh ra trong thời bình, để họ có cơ hội quây quần bên nhau, cùng trò chuyện, lắng nghe, cảm thông và chia sẻ.
Tri ân bằng nhiều hành động thiết thực
Trên địa bàn Quân khu 4 (gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và TP Huế) có hơn nửa triệu người được công nhận là người có công với cách mạng, hiện khoảng 167.000 người còn sống. Thời gian để tri ân trực tiếp dần ngắn lại khi phần lớn người có công nay đã tuổi cao, sức yếu. Chính vì vậy, việc triển khai nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả các hoạt động tri ân là điều vô cùng cần thiết. Mỗi việc làm ý nghĩa, dù nhỏ, đều góp phần thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, lan tỏa đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
 |
Đoàn viên, thanh niên thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: NGỌC ÁNH
|
Từ đầu tháng 7, tuổi trẻ và tổ chức đoàn tại các địa phương trên địa bàn Quân khu 4 đã đồng loạt triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Mới đây, đoàn các cơ quan Đảng tỉnh Nghệ An đã tổ chức “Hành trình tri ân” tại Nghĩa trang Liệt sĩ Việt-Lào và xã Nhân Hòa với các hoạt động thiết thực, nghĩa tình như dâng hoa, dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ; tổ chức “Bữa cơm tri ân”; sửa sang nhà cửa cho các đối tượng chính sách. Đoàn cũng trao “Vườn cây tri ân” tặng gia đình người có công với cách mạng. Những gốc cây non do chính các bạn trẻ ươm trồng rồi sẽ lớn lên theo năm tháng, đơm hoa kết trái và tỏa bóng như những ân tình được vun đắp bằng mồ hôi, tình cảm và sự biết ơn.
 |
Chương trình nghệ thuật “Đồng Lộc - Vọng mãi lời tri ân” tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: NGỌC ÁNH |
Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình nghệ thuật “Đồng Lộc-Vọng mãi lời tri ân” và lễ thắp nến tri ân nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, 57 năm Chiến thắng Đồng Lộc và Ngày hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong. Trên từng bậc đá dẫn lên phần mộ, hàng dài đoàn viên, thanh niên lặng lẽ tiến bước, tay nâng những ngọn nến thắp lên bằng tất cả lòng biết ơn và niềm tự hào. Đoàn Thanh niên UBND tỉnh Quảng Trị và Viettel Quảng Trị cũng phối hợp tổ chức Chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”, thay mới 9.600 bông hoa sen và hơn 800 bình hoa ở phần mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh.
Sự tri ân không chỉ ở điều lớn lao mà có trong mỗi việc nhỏ, trong những hành động giản dị mà thiết thực. Dưới nắng gắt miền Trung, những đóa sen mới được thay cùng những nén nhang thắp lên trong nghĩa trang đã thể hiện tình cảm, sự biết ơn của lớp trẻ đối với các thế hệ cha anh.
HOÀNG HOA LÊ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.