Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là con đường tất yếu để Việt Nam nhanh thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển, trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại. Đề án “Tiếp tục đổi mới và đẩy nhanh  chuyển dịch cơ cấu kinh tế  giai đoạn đến năm 2020” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo đã được sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó có bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân. Vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất là thông qua  việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, người dân sẽ được hưởng lợi những gì?

Dân giàu, nước mạnh nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng khá cao nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ cấu kinh tế ngành nói chung và trong nội bộ từng ngành nói riêng đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao năng suất lao động. Tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm; tỉ trọng công nghiệp và xây dựng tăng. Các vùng kinh tế đã từng bước hình thành, nhất là vùng kinh tế động lực ở ba miền: Bắc, Trung, Nam. Các khu công nghiệp tập trung đã hình thành trên một số vùng và trở thành đầu tàu phát triển ở các vùng đó. Nhờ có sự chuyển dịch kinh tế này mà tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam đã tăng trưởng  ở vị trí cao trong khu vực và trên thế giới.       

Nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang du lịch, dịch vụ mà thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) có tốc độ tăng trưởng GDP cao, nhiều người dân hưởng lợi từ sự chuyển dịch này.

Cùng với chuyển dịch cơ cấu ngành, hàng triệu lao động dịch chuyển từ nông nghiệp, lâm nghiệp sang nuôi trồng, chế biến thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, qua đó đã tìm được công việc tốt hơn với thu nhập cao hơn. Nhờ đó mà cuộc sống của bản thân và gia đình họ đã được cải thiện hơn trước.

Cuộc khảo sát mới đây của Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XI tại ba tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau cho thấy, nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bộ mặt các làng quê đã có sự  khởi sắc. Theo ý kiến của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm cho dân giàu thêm, nước mạnh thêm.

Hướng tới mục tiêu năng suất và hiệu quả

Tuy đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua thì, tăng trưởng kinh tế ở nước ta chủ yếu theo số lượng. Việc tăng trưởng do yếu tố đầu tư vốn chiếm khoảng 57,5%, do yếu tố tăng lao động khoảng 20%. Cả hai yếu tố chiếm khoảng 77,5%, còn yếu tố năng suất và hiệu quả chiếm 22,5%, trong lúc đó các nước trong khu vực, yếu tố năng suất và hiệu quả chiếm 36%-40%. Tính trung bình để làm ra một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của nước ta phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần so với các  nước phát triển trên thế giới.  Với tốc độ gia tăng mức khai thác năng lượng như hiện nay thì không lâu nữa các nguồn năng lượng ở nước ta sẽ trở thành khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt sẽ cạn kiệt.

Mặt khác, theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tháng 4-2009, Việt Nam ở vị trí đầu trong danh sách bốn nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ gây nên những tác hại nặng nề như bão lụt, úng lũ, khô hạn thất thường, tàn phá các làng xã, các khu công nghiệp, đô thị, phá hoại sản xuất (đặc biệt sản xuất nông, lâm, thủy sản), các trục giao thông.

Chính vì lí do trên, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội, cần phải chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng năng suất lao động, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững, đối phó hiệu quả với sự biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng. Trước mắt, cần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế để đón cơ hội khi kinh tế thế giới phục hồi.

Mục tiêu cơ bản của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thích ứng với nhu cầu và cơ chế hoạt động của thị trường, phát huy được lợi thế cạnh tranh, không ngừng nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Quy hoạch phải đi trước một bước

Tại Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư vừa được tổ chức tại Hà Nội,  dự thảo Đề án “Tiếp tục đổi mới và đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến năm 2020” đã được đưa thảo luận. Theo ý kiến chung của các đại biểu, trong Đề án phải làm rõ, nếu thực hiện Đề án này thì người dân sẽ được hưởng lợi những gì? Để thực hiện Đề án, quy hoạch phải đi trước một bước. Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát lại quy hoạch, trước hết là quy hoạch sử dụng đất, mặt nước, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở, khu công nghệ cao, quy hoạch các tuyến giao thông quan trọng, quy hoạch kết cấu hạ tầng du lịch, quy hoạch đô thị, quy hoạch các trung tâm thương mại, các khu kinh tế cửa khẩu… để điều chỉnh, bổ sung những nội dung không còn phù hợp hoặc xây dựng quy hoạch mới nhằm phát huy tốt nhất lợi thế của từng ngành, từng vùng, từng địa phương. Đối với một số quy hoạch chuyên ngành quan trọng, trong nước chưa có kinh nghiệm, cần thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài thực hiện. Các quy hoạch phát triển chung, đặc biệt là quy hoạch phòng, chống thiên tai, hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn... cần tính tới yếu tố biến đổi khí hậu.

Để nâng cao chất lượng quy hoạch và thực thi chính sách, pháp luật, một số đại biểu đề nghị cần thành lập (mới hoặc từ tách ra từ bộ hiện có) cơ quan Trung ương tham mưu tổng hợp về chính sách phát triển có đủ thẩm quyền, năng lực và công cụ soạn thảo hoặc định hướng soạn thảo, kiểm soát nội dung và chất lượng chính sách, theo dõi và đánh giá việc triển khai  thực hiện và hiệu quả của chính sách; kiến nghị hoặc yêu cầu bổ sung, sửa đổi chính sách, nếu xét thấy cần thiết.

Theo Ban soạn thảo Đề án, nếu Đề án được phê duyệt và triển khai tích cực thì từ sau năm 2015, về cơ bản, Việt Nam sẽ cân bằng được thu–chi ngân sách và cân bằng cán cân thanh toán vãng lai. Đến năm 2020, tỉ trọng giá trị  gia tăng/sản lượng đạt tối thiểu 50%; tỉ trọng giá trị gia tăng/sản lượng của công nghiệp chế biến đạt tối thiểu 40%; đóng góp  của nhân tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng  khoảng từ 35 đến 40%. Đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân ở khu vực nông thôn, miền núi sẽ được cải thiện thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng mức đầu tư bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ