Ảnh chỉ có tính minh họa

Những năm gần đây, sông Hiếu vẫn chảy qua địa bàn các huyện: Quế Phong, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Châu và Anh Sơn (Nghệ An) ngày càng hung dữ;mà nguyên nhân chính là do rừng đầu nguồn bị tàn phá và khai thác đá sỏi bừa bãi của người dân địa phương.

Trước đây khi rừng chưa bị phá, việc khai thác khoáng sản ở thượng nguồn, cát, đá ở hạ lưu chưa nhiều, hàng năm mùa lũ về cung cấp nước, các loại thủy sản cho cộng đồng cư dân trong vùng và bồi đắp phù sa cho hàng trăm ngàn héc-ta đất bãi ven bờ. Nhưng trong 10 năm gần đây, rừng đầu nguồn (chủ yếu ở huyện Quế Phong) bị phá hoại nghiêm trọng. Cộng vào đó là do tình trạng khai thác cát, đá, khoáng sản trên sông một cách bừa bãi, làm chuyển đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ và cuốn trôi hàng trăm héc-ta đất canh tác, gây thiệt hại cho nhiều vùng dân cư. Chỉ tính riêng trong các trận mưa đầu mùa năm nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, nước lũ trên sông Hiếu đã làm sạt lở, cuốn trôi cả trăm héc-ta đất. Điển hình là làng chài Liên Thắng, lũ đã cuốn trôi một đợt gần 12ha đất, đe dọa tính mạng tài sản của hàng chục hộ dân ven bờ. Cùng thời điểm này, cầu Hiếu-chiếc cầu vĩnh cửu lớn nhất trên quốc lộ 48, bắc qua sông Hiếu tại thị trấn Thái Hòa (được xây dựng năm 1995 với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng) đã bị nước lũ làm sạt lở, đẩy trôi gần hết mái đất mố cầu phía Bắc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định làm nứt vỡ bê tông mặt cầu.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do nước lũ sông Hiếu gây ra, trước mắt huyện Nghĩa Đàn và các địa phương trong tỉnh Nghệ An có các điểm sạt lở đã triển khai các phương án kè bờ giữ đất chống xói lở, nghiêm cấm việc khai thác cát đá bừa bãi, đặc biệt là ở các điểm có sạt lở lớn; đồng thời lập đề án lâu dài cho việc chống lũ, bảo vệ đất đai và các công trình xây dựng ven sông.

CAO XUÂN CẦM