Nơi Bác viết “Sửa đổi lối làm việc”

Đó là đồi Khau Tý nay thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hóa Thái Nguyên. Khau Tý, theo tiếng Tày có nghĩa là “Đồi Cây Thị”, đó là quả đồi thấp, rợp bóng cây, tựa lưng vào núi Hồng.

Theo những tài liệu còn lưu trữ tại Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên thì vào tối 20-5-1947, tám chiến sĩ bảo vệ, giúp việc được Bác Hồ đặt tên là Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Khau Tý. Trước đó, đồng chí Triệu Đình Quân, Bí thư Việt Minh xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc) cùng 5 đảng viên tại đây đã dựng nhà cho Bác gồm hai gian, nép mình bên cây cổ thụ. Căn nhà Bác ở thoáng mát, vách nứa được đan rất khéo tay, nhìn rất đẹp. Trên một phía vách có treo một chiếc áo the dài, một khăn xếp, một chiếc ô đen. Đó là những thứ Bác dùng để cải trang khi đi công tác. Dưới sàn có hai chiếc vali dùng để đựng tài liệu và quần áo. Giữa sàn trải một chiếc chiếu. Tất cả “tiện nghi” của Bác Hồ - vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có như thế.

Căn nhà bác ở nay đã được phục chế lại, về cơ bản vẫn giống căn nhà xưa.

leftcenterrightdel
Các cựu chiến binh Tổng cục II đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Ảnh: Thế Hà 
leftcenterrightdel

Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức hằng năm ở vùng ATK Định Hóa. Ảnh: Thế Hà 

Tại Khau Tý, giữa lúc “Tiếng kèn kháng chiến vang dội non sông”, Bác Hồ đã viết cuốn sách nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”. Cuốn sách thể hiện những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền. 7 thập kỷ đã trôi qua, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những nguy cơ thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tác hại đối với Đảng cầm quyền và những nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài; phải “Sửa đổi lối làm việc” để chỉnh đốn, xây dựng Đảng, để đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng vai trò tiền phong, gương mẫu, gắn bó với nhân dân. Người nêu 12 điều về xây dựng Đảng: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài, mà Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận và vận dụng vào thực tiễn công tác cách mạng. “Phải rèn luyện tính Đảng, mới làm được việc. Người chỉ rõ: Vì kém tính Đảng, có 12 căn bệnh: Bệnh ba hoa, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh cẩu thả, bệnh xa rời quần chúng, bệnh hủ hóa và bệnh lười biếng"…

70 năm đã trôi qua, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã được tái bản nhiều lần, phát hành rộng ra các liên khu kháng chiến, trở thành cuốn sách giáo khoa về xây dựng Đảng, cẩm nang gối đầu giường của mỗi cán bộ, đảng viên trong các thời kỳ cách mạng của Đảng ta. 

Tại Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Ban vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, nhất trí lấy ngày 27-7 hằng năm để toàn dân tỏ lòng hiếu nghĩa với thương binh, gia đình liệt sĩ. (Lễ mít tinh công bố chính thức tại Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên vào ngày 27-7-1947).

Cũng tại Khau Tý, Bác Hồ đã tức cảnh làm bài thơ “Cảnh khuya”: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, Người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Điềm Mặc, nơi có đồi Khau Tý lịch sử vào những ngày này nhộn nhịp khách đến thăm. Tuyến đường bê tông từ Tỉnh lộ 264 dẫn vào Khu di tích lịch sử vừa được mở rộng, nâng cấp. Đồng chí Ma Duy Vụ, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc cho biết: Hiện tại, xã có hơn 1.300 hộ, với 6 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Cao Lan, Sán Chí. Trước kia, đời sống của bà con trong xã rất khó khăn. Trong những năm qua, nhờ sự giúp đỡ của huyện và tỉnh, Điềm Mặc đã mạnh dạn  chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,3% đầu năm 2016 xuống còn 29,9% vào tháng 5-2017. Số hộ khá chiếm khoảng 10%. Ước mơ “Núi rừng có điện thay sao/ Nông dân có máy làm trâu thay người” trở thành hiện thực khi 100% số hộ trong xã đã dùng lưới điện quốc gia; bà con có 120 máy cày. Trường Tiểu học Điềm Mặc, Trường mầm non và trạm Y tế xã đều đạt chuẩn Quốc gia...

Chung tay bảo tồn, phát triển "Thủ đô gió ngàn"

 Suốt hai ngày về cội nguồn Định Hóa, chúng tôi vẫn không thể đi thăm được hết các di tích lịch sử trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt ATK. Một phần bởi số lượng các di tích khá lớn, nằm ở nhiều xã, thị trấn trong huyện. Một phần bởi các di tích đều gợi nhớ đến Bác Hồ và thời gian kháng chiến đầy gian khổ của dân tộc ta. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác đã lấp lánh trong từng chi tiết, từng hiện vật, từng câu chuyện xung quanh các khu di tích. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định giá trị của Người trong thời kỳ này thật sự vĩ đại: “Ở đâu u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi/ Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”

hạc sĩ Đồng Khắc Thọ, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử - ATK Định Hóa cho biết: Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa trải dài 520km2. Các di tích nằm ở  24 xã, thị trấn ATK. Trong đó có 16 xã, thị trấn và huyện Định Hóa được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp.   

Chúng tôi còn được biết: 5 năm gần đây, bằng nguồn xã hội hóa, Ban Quản lý Di tích đã xây dựng được nhà đón tiếp dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số công trình phụ trợ, trang thiết bị cho Trạm Y tế - Cứu hộ ATK, với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Để di tích ngày càng phát huy cao giá trị trong đời sống xã hội, Ban Quản lý Di tích thường xuyên có nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, triển lãm hình ảnh Khu Di tích đến nhân dân và du khách. Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến hết năm 2016, Ban Quản lý Di tích đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức 3 hội thảo khoa học, tọa đàm về công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Các điểm di tích Xưởng Đội Cấn - Nhà máy Quân giới K77 (xã Đồng Thịnh); Trường Nguyễn Ái Quốc (xã Bình Thành); nơi ở, làm việc của cơ quan Bộ Tổng tham mưu và Tổng Tham mưu Trưởng Hoàng Văn Thái (xã Định Biên)… được Ban Quản lý Di tích lập hồ sơ khoa học được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia. Cũng trong 5 năm qua, Ban Quản lý Di tích đã sưu tầm được 442 tài liệu, hiện vật; hơn 500 ảnh tư liệu; 6.215 sách hồi ký, lịch sử, bảo tồn, bảo tàng… Đặc biệt là các hiện vật như: Áo dạ, thanh kiếm Bác Hồ tặng cụ Ma Tiến Đàm khi chữa bệnh cho Người ở Tân Trào (7-1945); phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946) của nhà điêu khắc Nguyễn Cao Đàm; túi sung đan của phụ nữ Pắc Bó tiếp tế lương thực cho Bác Hồ… Khảo sát đưa vào danh mục lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức chữa bệnh bằng thuốc Nam của người Dao” huyện Định Hóa. Nhân Lễ hội Lồng Tồng hằng năm, Ban Quản lý Di tích tổ chức triển lãm ảnh, tư liệu, tranh sơn dầu với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thái Nguyên”; “Việt Nam đất nước, con người” phục vụ hàng vạn lượt người xem.

Cũng trăn trở với việc gìn giữ và bảo tồn Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, đồng chí Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Định Hóa cho rằng, cần để cho người dân địa phương tham gia gìn giữ di tích kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ.   

Đồng chí Lương Văn Lành cho biết, lãnh đạo huyện vừa có những cuộc làm việc với đại diện lãnh đạo các cơ quan của Trung ương, các đơn vị quân đội đã từng ở ATK Định Hóa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp để bàn giải pháp phối hợp bảo tồn các di tích trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Các cơ quan, đơn vị đều thống nhất cao việc chung sức bảo tồn các di tích lịch sử tại ATK. “Điều quan trọng là phải làm tốt công tác điều phối, quy hoạch để nâng cao giá trị các di tích và phải tuyệt đối tôn trọng lịch sử” - đồng chí Lương Văn Lành nhấn mạnh.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Định Hóa thông tin vui với chúng tôi: Nhằm đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo của vùng ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã thông qua chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng ATK và vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn Định Hóa giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 42 triệu đồng, 100% các tuyến đường giao thông liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm số hộ nghèo bình quân hằng năm từ 3% trở lên, 75% số trường đạt chuẩn quốc gia, 90% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế... Tỉnh vẫn tiếp tục đầu tư thực hiện Đề án khôi phục bảo vệ và phát triển rừng cảnh quan khu ATK huyện Định Hóa giai đoạn 2008-2020 và một số dự án khác, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm như: Xây dựng hồ Khuôn Tát (xã Phú Đình); hồ Khuôn Nhà (xã Quy Kỳ); nâng cấp tuyến tỉnh tỉnh lộ 268 lên thành Quốc lộ 3C, đầu tư cơ sở hạ tầng khu du lịch liên hoàn Chùa Hang - Nhà tù Chợ Chu - Hồ Bảo Linh... Đây chính là những nguồn lực mới để Định Hóa vươn lên, trở thành vùng đất giàu và đẹp, xứng danh quê hương cách mạng anh hùng.

70 năm qua, mảnh đất ATK Định Hóa đã nhiều lần “thay da đổi thịt”, nhưng vẫn còn đó  những dấu tích lịch sử đã được khắc lại trên bia đá và tạc trong lòng người dân Định Hóa.  Cùng với Pắc Bó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa đã và đang là một quần thể quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.  

ĐỖ PHÚ THỌ

(Tiếp theo và hết)