Theo đó, mỗi hộ dân được hỗ trợ 8 con lợn giống bản địa với trọng lượng trung bình 11 kg/con và thuốc thú y, cám ban đầu, hóa chất sát trùng. Ngoài ra, còn được tham gia tập huấn, hướng dẫn thực hiện, chuyển giao mô hình nuôi lợn bản địa và được đi thực tế tham quan, học tập các mô hình có hiệu quả ở các địa phương.

Lãnh đạo Đoàn KT-QP 78, Binh đoàn 15 và địa phương trao heo giống cho nhân dân.

Đây là những hộ dân nằm trong Dự án “Phát triển kinh tế, xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản” do Đoàn KT-QP 78, Binh đoàn 15 làm chủ dự án với tổng mức đầu tư 820 triệu đồng từ nguồn vốn của Nhà nước.

Trung tá Nguyễn Xuân Chung, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 78, Binh đoàn 15 cho biết, thực hiện Dự án với mô hình chăn nuôi lợn bản địa có tính khả thi rất cao, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của xã Mô Rai và từng hộ gia đình. “Tôi tin tưởng các hộ dân nếu thực hiện đúng kỹ thuật chăn nuôi đã được hướng dẫn sẽ nhanh chóng gây dựng nguồn vốn, tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững”, Trung tá Nguyễn Xuân Chung nhấn mạnh.   

Còn theo đồng chí Nguyễn Hữu Dũ, Chủ tịch UBND xã Mô Rai, (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) dự án rất thiết thực và có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Đặc biệt là, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã, nâng cao kỹ năng về phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, thay đổi tập quán chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; yên tâm, tự tin làm giàu trên chính quê hương của mình.

Tin, ảnh: VĂN THỌ-HỮU TÂM