Hẹn mãi, mà cho tới những ngày cuối tháng 6 tôi mới tranh thủ thời gian để làm một cuộc "chu du" thăm lại bạn bè mà từ lâu do điều kiện công tác chưa có dịp gặp mặt. Người bạn đầu tiên mà tôi đến là Dân ở Ia Sao, thuộc huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
6 nhân khẩu trong gia đình nhà Dân (hai vợ chồng và bốn đứa con) phụ thuộc tất cả vào một héc-ta cà phê, mà giá cà phê lên xuống thất thường, sau vụ mùa thu hoạch tính đi tính lại tiền thu ít hơn tiền chi, không có tiền đóng góp xây dựng và mua sắm sách vở cho con đi học, buồn lòng đành buộc hai cháu đầu bỏ học giữa chừng, trông hai cháu nước mắt rơi khi nhìn cảnh bạn bè đến lớp, tới trường mà lòng ba mẹ quặn đau, nhưng con đông, gia đình lại khó khăn, lấy đâu ra tiền mà chi phí mọi chuyện... Chia tay, vợ chồng Dân chỉ lắc đầu buồn "tất cả cũng tại vì mình sinh nhiều con quá".
 |
Ít con sẽ có nhiều thuận lợi đối với việc phát triển, kinh tế và đầu tư học tập cho trẻ em hơn đông con (ảnh internet) |
Về thị xã An Khê (Gia Lai), tới nhà Hà ở gần con sông Ba nối nhịp với chốn thị thành sầm uất, nhà Đông ở xã An Thành quang cảnh cũng chẳng khác nhà Dân là mấy. Vợ Hà một tay bồng con chưa đầy tuổi, một tay dắt con nhỏ khoảng 2 tuổi đi gửi nhờ bà ngoại, cháu lớn hơn chút xíu đang ngủ nghiêng trên chiếc giường tre, tôi hỏi Hà sao không cho các cháu tới nhà trẻ, để cô giáo chăm sóc dạy bảo, rảnh tay mà lao động. Hà trả lời, năm trước vợ chồng gom góp làm được 3ha mía, tập trung đầu tư chăm sóc cho đến lúc thu hoạch thì mía lại bị đục thân, chết khô tại ruộng, lỗ không biết bao nhiêu tiền bạc, vợ chồng trắng tay. Trong khi đó, vợ "bị vỡ kế hoạch" sinh thêm một cháu nữa, đã khổ bọn mình lại nghèo khổ hơn, nhìn con cái nheo nhóc không được học hành, nghĩ mà thương nhưng biết làm sao được, "lực bất tòng tâm".
Tạm biệt An Khê, tôi lại khăn gói lên đường đến tận Krông Pa, mảnh đất cuối cùng phía đông của tỉnh Gia Lai để gặp Tuấn, người bạn thân chí cốt lúc còn nhỏ tuổi cắp sách đến trường, gặp lại bạn chúng tôi mừng lắm, song điều tôi mừng vui hơn cả là hai đứa con của Tuấn, một cháu đang học Đại học sư phạm Quy Nhơn, còn cháu út học xong lớp 11 với kết quả tương đối tốt chuẩn bị vào lớp 12. Nhìn khung cảnh và cuộc sống nhà Tuấn mọi cái đều sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, được sắp đặt theo một thứ tự nhất định trông đẹp mắt. Tôi biết vợ chồng Tuấn là những người biết "làm" và biết hướng tới tương lai ngày mai.
Như vậy trong gia đình, việc học tập của trẻ nhỏ phụ thuộc rất lớn vào số lượng con cái, qua cuộc sống thực tại của những người bạn tôi và những người xung quanh cho thấy, trong gia đình có từ một đến hai con thì việc đầu tư cho con cái học tập cao hơn, chất lượng hiệu quả hơn những gia đình đông con. Vả lại chúng ta cũng nhìn thấy những gia đình ít con kinh tế khá giả hơn và thường tập trung ở các thị trấn, thị xã, thành phố, còn gia đình đông con thường tập trung ở các làng quê, nơi còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Theo số liệu điều tra về giáo dục-đào tạo gần đây, số học sinh tốt nghiệp trên 10.000 dân, bậc trung học cơ sở ở khu vực nông thôn 1.637. Đến bậc trung học phổ thông tỉ lệ này là 985 ở thành thị và 284 ở nông thôn. Bậc trung học chuyên nghiệp là 397 ở thành thị và 123 ở nông thôn. Từ đại học trở lên có tỉ lệ là 317 ở thành thị, 45 ở nông thôn.
Qua một chuyến "khảo sát" nho nhỏ của tôi về cuộc sống của những người bạn và qua số liệu điều tra về giáo dục-đào tạo gần đây cho thấy, những gia đình có ít con sẽ có nhiều thuận lợi đối với việc phát triển, kinh tế và đầu tư học tập cho trẻ em cũng như tạo điều kiện, tạo cơ hội cho con cái phát triển sau này. Bởi nhận thức và kiến thức là một trong những yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thay đổi vị thế của mỗi người trong xã hội.
LÊ QUANG HỒI