Tuy nhiên, thực tiễn phát triển đất nước và triển khai các chính sách xã hội (CSXH) đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn, toàn diện và bao trùm hơn trong việc xây dựng hệ thống CSXH giai đoạn tới.

Bước tiến quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội

CSXH là một bộ phận trong hệ thống chính sách chung của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết và quản lý các vấn đề xã hội. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012, Hội nghị Trung ương 5, khóa XI về một số vấn đề CSXH giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết số 15-NQ/TW) nêu rõ quan điểm “CSXH phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ”. Nghị quyết tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản là ưu đãi NCC và chính sách an sinh xã hội (ASXH).

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Theo TS Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, hệ thống CSXH ở nước ta đã cơ bản toàn diện, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế; bảo đảm cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị. 

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, nhiều CSXH được ban hành kịp thời, hướng đến nhiều đối tượng. Với việc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các CSXH, nước ta đạt được bước tiến dài trong giải quyết các vấn đề xã hội.

Một trong những điểm sáng khi triển khai thực hiện các CSXH thời gian qua là chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng được đặc biệt quan tâm và là chính sách được thực hiện tốt nhất trong các CSXH. Đến nay, 98,2% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cư trú trên địa bàn. Từ năm 2013 đến năm 2019, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, cả nước cơ bản hoàn thành hỗ trợ dứt điểm về nhà ở cho gần 440 nghìn gia đình NCC, đạt tỷ lệ gần 97%; hỗ trợ, giúp đỡ hơn 16 nghìn hộ gia đình NCC thoát nghèo.

Cùng với đó, chính sách ASXH tiếp tục khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống CSXH. Mặc dù nguồn lực đất nước còn hạn hẹp, nhưng Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác bảo đảm ASXH, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế, đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và ASXH.

Nhiều chương trình và giải pháp nhằm tạo việc làm đồng bộ được triển khai hiệu quả; các chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam thu được những kết quả rất tốt đẹp; diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, quyền ASXH của người dân cơ bản được bảo đảm tốt...

Có thể thấy rõ, các chính sách về giảm nghèo và bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là những điểm sáng nổi bật trong hệ thống chính sách ASXH. Chính sách giảm nghèo được tiếp cận theo hướng đa chiều, đa mục tiêu, đổi mới về phương thức, giải pháp thực hiện; gắn kết giữa tạo sinh kế, việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; riêng các huyện nghèo giảm 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1,5%/năm, xuống còn 2,23% năm 2021 (theo cách tiếp cận đa chiều). 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Cán bộ Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang khám bệnh, cấp thuốc cho hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: PHƯƠNG VŨ

Xây dựng hệ thống chính sách xã hội toàn diện và bền vững

Mặc dù đạt nhiều thành tựu trong giải quyết các vấn đề xã hội, nhưng nhìn chung CSXH ở nước ta còn thiếu tính bao trùm, thiếu kết nối giữa các trụ cột chính sách trong khâu tổ chức thực hiện và chưa bao phủ toàn diện các đối tượng. Đầu tư cho CSXH chưa tương xứng; trợ cấp xã hội còn thấp so với nhu cầu sống tối thiểu. Các trụ cột chính sách được thiết kế và triển khai thực hiện hầu hết theo ngành dọc, chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài nhà nước tham gia vào cung cấp dịch vụ công... 

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thực tế triển khai các chính sách, chương trình về thị trường lao động, việc làm cho thấy, nhóm đối tượng lao động khu vực phi chính thức đang bị bỏ sót nên độ bao phủ bảo hiểm xã hội trong nhóm này còn thấp, người lao động tự do vắng bóng trong lưới an sinh còn cao.

Trong khi đó, trợ giúp xã hội cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn phạm vi bao phủ thấp; trợ giúp đột xuất vẫn chưa thực sự hiệu quả ở một số địa phương về bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Đời sống của nhóm đối tượng yếu thế còn nhiều khó khăn do mức hỗ trợ thấp và một bộ phận người dân chưa được thụ hưởng chính sách... 

Để tiếp tục đổi mới, hướng đến phát triển bền vững cần có những bước đột phá toàn diện về CSXH cả về cơ sở pháp lý, quản trị và cung cấp dịch vụ đầy đủ, chất lượng, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế là rất cần thiết. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội sẽ là cơ sở, điều kiện và động lực cho phát triển kinh tế. Những thành công và hạn chế trong việc thực hiện CSXH thời gian qua đặt ra vấn đề cần phát triển hệ thống CSXH toàn diện, bao trùm và bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong giai đoạn tới, hệ thống CSXH cần phải có sự đột phá toàn diện, trọng tâm là đột phá trong quản lý nhà nước. Theo đó, Nhà nước quản lý thống nhất việc thực hiện các CSXH theo hướng chia sẻ giữa Nhà nước-xã hội-người dân và bảo đảm nguyên tắc an sinh-an dân và an cư. Cần đổi mới những CSXH mang tính nòng cốt như tiền lương, chính sách cho lao động phi chính thức, giáo dục và y tế thiết yếu.

TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: "CSXH phải bảo đảm tính chủ động về nguồn lực thực hiện và xã hội hóa cao. Trong đó, Nhà nước cần xây dựng chiến lược tài chính để thực hiện một hệ thống rộng hơn, sâu hơn về ASXH và phúc lợi xã hội. Nâng cao trách nhiệm, năng lực tự an sinh của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng".

TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nêu quan điểm: "Để phát triển hệ thống CSXH bao trùm, toàn diện và bền vững, Nhà nước cần xây dựng và ban hành CSXH dựa trên nền tảng kinh tế, mục tiêu phát triển đất nước và đặc điểm văn hóa vùng, miền. Các CSXH được ban hành cần đặt trong tổng thể kế hoạch phát triển quốc gia, không mâu thuẫn nhau, không làm triệt tiêu động lực phát triển và cũng không mâu thuẫn với các chính sách về kinh tế... Các CSXH được ban hành và thực thi không chỉ giải quyết vấn đề xã hội trước mắt, ngắn hạn mà phải góp phần ngăn ngừa những vấn đề xã hội khác nảy sinh trong dài hạn".

Cũng theo TS Đoàn Minh Huấn, cần xây dựng hệ thống CSXH theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý xã hội trước những tình huống bất thường, nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro. Thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi cả nước thì một số lĩnh vực xã hội bị suy giảm.

Nếu như có sự quản lý tốt, chúng ta vẫn có thể giữ được thành quả phát triển của những năm trước, như tránh được hiện tượng di cư lao động từ các vùng kinh tế trọng điểm về tỉnh lẻ do ASXH tại nơi làm việc, nơi cư trú chưa bảo đảm hay như tránh được sự quá tải, lúng túng trong xử lý các vấn đề về dịch bệnh từ những cơ sở khám, chữa bệnh...

Do đó, cần xây dựng được thể chế, khung pháp lý, kịch bản rõ ràng, cụ thể để ứng phó với những tình huống bất thường, chủ động bảo đảm ASXH cho các tầng lớp nhân dân; đồng thời tránh bị trục lợi chính sách.

MINH MẠNH