Hướng mạnh về nơi gian khó
Tháng 7 này, bà Nguyễn Thị Điều, mẹ liệt sĩ, ngụ tại Tiểu khu 119, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) vui mừng vì được Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 778 tặng nhà tình nghĩa khang trang. Bà Điều xúc động nói: “Tôi được bộ đội xây tặng nhà và được hướng dẫn kỹ thuật trồng hồ tiêu, hoa màu, mở rộng sản xuất cải thiện đời sống. Chúng tôi đang cùng bộ đội gương mẫu vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xây dựng làng mới văn minh”.
Cùng được tặng nhà tại Tiểu khu 119, anh Điểu Dũng, dân tộc S’tiêng, nguyên chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Bình Phước, hiện là công nhân Đoàn KT-QP 778, đã trở thành hạt nhân tích cực, giúp đỡ đồng bào S’tiêng cách sản xuất, biện pháp bảo vệ an ninh, giúp bà con yên tâm định cư, xóa bỏ hủ tục du canh, du cư.
Đó là vài dẫn chứng tại Tiểu khu 119, một trong những điểm sáng của Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong vùng đồng bào DTTS do LLVT Quân khu 7 thực hiện. Từ năm 2018 đến nay, Đoàn KT-QP 778 đã phối hợp với địa phương xây dựng 120 căn nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách, người có công (NCC) hoàn cảnh khó khăn, xây dựng làng mới kiểu mẫu của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước.
Thượng tá Nguyễn Duy Dương, Chính ủy Đoàn KT-QP 778 cho hay: Để thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng ủy, Bộ tư lệnh (BTL) Quân khu 7, Đoàn KT-QP 778 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện theo phương châm đơn vị bảo đảm kinh phí, tổ chức xây dựng nhà, hướng dẫn sản xuất; còn địa phương bảo đảm quỹ đất, xây dựng cơ sở hạ tầng và gắn chương trình xây dựng nhà tình nghĩa tặng đối tượng chính sách với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cách làm này vừa chăm lo tốt đối tượng NCC, vừa gắn kết cán bộ, chiến sĩ với nhân dân, thực hiện tốt chính sách HPQĐ. Năm 2020, Đoàn KT-QP 778 tiếp tục khởi công 18 căn nhà tình nghĩa, xây dựng làng mới cho đồng bào DTTS trên địa bàn.
 |
Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ở (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NGỌC TÂN. |
Thực hiện Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Quân khu 7 phối hợp với các địa phương triển khai nhiều chương trình xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng sổ tiết kiệm, bảo đảm sinh kế cho gia đình chính sách... Các chương trình ưu tiên hướng mạnh về vùng đồng bào DTTS, đồng bào tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Các đơn vị lồng ghép Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác chính sách, HPQĐ với thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Nhiều chương trình như: “Xây dựng nhà nghĩa tình quân-dân”, Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”; “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”... được triển khai sâu rộng. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Quân khu 7 đã xây dựng gần 300 căn nhà tình nghĩa, nhà nghĩa tình quân-dân, nhà đồng đội và 14 điểm dân cư biên giới. Đối tượng thụ hưởng là NCC, gia đình chính sách đồng bào DTTS, tôn giáo... Kết quả đó là sự kết hợp các nguồn lực xã hội, với sự vào cuộc đầy tâm huyết của cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm...
Tạo môi trường lan tỏa lối sống đẹp
TP Hồ Chí Minh là địa phương điển hình trong thu hút, huy động nguồn lực xã hội chăm lo công tác chính sách, HPQĐ. Các nguồn lực không chỉ có giá trị vật chất mà ý nghĩa hơn đó là tạo môi trường, không gian để các tổ chức, cá nhân, nhất là thế hệ trẻ được “nhúng” mình vào trường văn hóa tri ân. Thành phố có hơn 5.400 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 178 mẹ còn sống. Các mẹ đều tuổi cao, sức yếu, nhiều mẹ ở một mình. Để chăm sóc các mẹ chu đáo, Đảng ủy, BTL TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo nhân rộng các mô hình, chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một trong những hoạt động ý nghĩa là Phong trào “Các con về với mẹ”, khởi phát từ Ban CHQS huyện Củ Chi. Theo đó, hàng tuần, đơn vị phối hợp với đoàn thanh niên địa phương về với các mẹ neo đơn, già yếu, tổ chức bữa cơm nghĩa tình tại nhà mẹ, chan hòa, ấm áp trong quan hệ tình thân như ruột thịt. BTL TP Hồ Chí Minh đã tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố không chỉ quan tâm chăm lo hậu phương cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố mà còn tặng quà các đơn vị quân đội trên địa bàn; gia đình cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, cán bộ quân đội nghỉ hưu. Trong 6 tháng đầu năm 2020, BTL thành phố đã vận động các nguồn lực xã hội, phối hợp trao quà tặng các đối tượng với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng.
Bộ CHQS tỉnh Bình Phước thì có hình thức “Ngày giỗ tại gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận có “Vườn cây gia đình chính sách”; “Con đường vào nhà mẹ”... Đó là những không gian văn hóa nhân văn, lan tỏa lối sống đẹp, thu hút sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, cùng chung tay góp sức chăm lo các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị Quân khu 7 phối hợp các địa phương, doanh nghiệp phụng dưỡng 815 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Dưới mỗi mái nhà tình nghĩa của các mẹ đều có dấu ấn của các phong trào quân và dân chung tay làm việc nghĩa.
Tại Sư đoàn 5, Phong trào “Hũ gạo tình thương” đã lan tỏa nét đẹp văn hóa quân nhân sâu sắc. Theo đó, mỗi ngày, mỗi bếp ăn của các cơ quan, đơn vị tiết kiệm 2-3kg gạo. Số gạo tiết kiệm được đơn vị tặng gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Bằng cách làm này, mỗi năm, sư đoàn đã tặng hàng chục tấn gạo.
Với sự huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước đã phối hợp xây dựng được 65 căn nhà, hiện đã hoàn thành 16 căn nhà và vận động được hơn 1.000 suất quà (trị giá gần 400 triệu đồng) tặng gia đình chính sách, cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Đại tá Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 khẳng định: Từ những kết quả đạt được, Đảng ủy, BTL Quân khu 7 tiếp tục quán triệt, triển khai tốt công tác chính sách, HPQĐ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực xã hội, góp phần xây dựng HPQĐ vững chắc, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, quân đội, xây dựng LLVT quân khu vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
TÙNG SƠN - DUY HIỂN