Đâu là những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác chính sách, HPQĐ ở Quân khu 7? Khi chúng tôi đặt vấn đề như vậy, Thượng tá Huỳnh Văn Dũng, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 7 cho biết: “Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công (NCC)... có rất nhiều nội dung, hạng mục, cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ban, ngành chức năng trong và ngoài quân đội. Thực tế ở Quân khu 7 những năm qua cho thấy, việc phối hợp giải quyết chế độ chính sách cho NCC và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) gặp nhiều khó khăn. Đây là những vấn đề lớn, thể hiện sâu sắc giá trị nhân đạo, nhân văn của chế độ ta. Yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm chính xác, công bằng, chu đáo, không để sót, không bỏ lọt đối tượng được thụ hưởng”.

Các địa phương trên địa bàn Quân khu 7 có số lượng gia đình NCC, đối tượng chính sách chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An... Chỉ tính riêng việc giải quyết chế độ chính sách theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về “Chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc”, Quân khu 7 có hơn 90.000 đối tượng; riêng TP Hồ Chí Minh có gần 40.000 người.

Cán bộ, chiến sĩ Đội K73, Bộ CHQS tỉnh Long An cất bốc hài cốt liệt sĩ tại Campuchia. Ảnh: AN LONG. 

Chính vì vậy, quá trình giải quyết chế độ chính sách cho NCC, một trong những khó khăn cần tập trung tháo gỡ là tìm kiếm thông tin, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, không để tồn đọng. Kết thúc chiến tranh, nhiều đơn vị sáp nhập, giải thể, một bộ phận lớn các đồng chí trong diện thụ hưởng chế độ chính sách bị thất lạc giấy tờ, đời sống khó khăn, chuyển chỗ ở nhiều nơi... Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác chính sách, nhất là cấp cơ sở thường xuyên thay đổi, trình độ, khả năng chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều. Ở một số địa phương, cán bộ làm công tác chính sách còn lúng túng, thiếu chủ động tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị, phối hợp với địa phương. Trong lúc đó, một số nơi vẫn có tư tưởng “khoán trắng” việc này cho cơ quan chính sách.

Công tác tìm kiếm, quy tập HCLS theo Đề án 1237 cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động của các đội K tìm kiếm, quy tập HCLS trên đất bạn Campuchia. Địa bàn tìm kiếm rộng, địa hình hiểm trở, thường xuyên phải vượt suối, băng rừng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tại miền Đông Nam Bộ, do địa hình, địa vật đã thay đổi, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nên việc xác định thông tin, tìm kiếm HCLS cũng ngày càng khó khăn hơn. Các địa phương thuộc Quân khu 7 có số lượng liệt sĩ chưa tìm được hài cốt rất nhiều. TP Hồ Chí Minh là địa phương nhiều nhất, theo thống kê, toàn thành phố có hơn 50.000 liệt sĩ, trong đó, liệt sĩ có mộ, có thông tin chính xác là hơn 22.000, số còn lại hiện đang thiếu thông tin, chưa tìm kiếm được hài cốt. Tỉnh Tây Ninh là một trong những địa phương điển hình thực hiện hiệu quả Đề án 1237. Đến nay đã tìm kiếm, quy tập được 14.123 HCLS, nhưng hiện vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa có thông tin, chưa tìm được hài cốt...

Nói về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chính sách, HPQĐ trên địa bàn Quân khu 7, Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, nhấn mạnh: Đảng ủy, BTL Quân khu 7 xác định đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng của LLVT quân khu. Để tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn, Đảng ủy, BTL quân khu đã chỉ đạo, tổ chức xây dựng quy chế, kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy, các bộ, ngành liên quan trong giải quyết chế độ chính sách quân đội, HPQĐ. 

Với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội, đến nay, các hồ sơ tồn đọng ở cơ quan chính sách cơ bản được giải quyết. Chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, NCC được thực hiện đúng quy trình, chu đáo, chặt chẽ, kịp thời. Cơ quan chức năng Quân khu 7 đã làm tốt công tác kiểm tra, thiết lập hồ sơ thương binh, liệt sĩ đề nghị giải quyết theo thẩm quyền, nhận hồ sơ đến đâu giải quyết dứt điểm đến đó, không để tồn đọng kéo dài.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, BTL quân khu, cơ quan chính sách các cấp tập trung nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ban, ngành. Các cấp ủy phân công cán bộ phụ trách, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khâu yếu, điểm yếu, nhất là trong thực hiện các nghị định, quyết định, thông tư, hướng dẫn... của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương.

Một trong những dấu ấn quan trọng là ngành chính sách từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại để giải mã các ký hiệu, phiên hiệu đơn vị, thiết lập, thu thập, lưu trữ danh sách quân nhân, nhất là các đơn vị đã giải tán, sáp nhập. Đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách được luân phiên tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Với sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và sự chuyển động đồng bộ từ trên xuống dưới, từ các cấp chức năng trong và ngoài quân đội nên việc giải quyết các chế độ chính sách đều bảo đảm dân chủ, đúng mục đích, chính xác, minh bạch, công khai, đúng pháp luật, không xảy ra tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện...

6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan chức năng Quân khu 7 đã thẩm tra, xác minh, đề nghị công nhận 101 đối tượng theo chế độ thương binh, bệnh binh; tiếp nhận và giải quyết 3.365 hồ sơ các đối tượng chính sách. Từ đầu năm 2019 đến nay, các đội K đã tìm kiếm, quy tập được 549 HCLS, trong đó có 446 HCLS quy tập trên đất bạn Campuchia; có trên 99% thôn, ấp và 98,9% xã, phường, thị trấn; 99,1% cấp quận, huyện đã lập, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm HCLS.

 (còn nữa)

TÙNG SƠN - DUY HIỂN