Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả

Cầm quyết định hưởng chế độ thương binh trên tay, ông Trần Văn Định (sinh năm 1960, ngụ tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) phấn khởi nói: “Tôi nguyên là Trung đội phó thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 55, Sư đoàn 303 (Mặt trận 779); bị thương ngày 3-9-1979 khi chiến đấu tại tỉnh KongpongCham (Campuchia). Thời chúng tôi đi chiến đấu, còn sống trở về với gia đình là hạnh phúc, may mắn hơn bao nhiêu đồng đội rồi. Đâu có nghĩ đến quyền lợi, chế độ. Đến khi được hướng dẫn làm hồ sơ, bạn chiến đấu mỗi người một nơi, giấy tờ thất lạc, tôi nghĩ sẽ khó mà làm được. Vậy nhưng bằng tâm huyết, trình độ, trách nhiệm, cơ quan chính sách của Bộ tư lệnh (BTL) TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tìm kiếm thông tin, phối hợp đến tận gia đình bạn chiến đấu của tôi ở nhiều địa phương trong cả nước để xác minh, thẩm định. Tôi thực sự vô cùng cảm động”.

Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh chi trả tiền chế độ cho các đối tượng. Ảnh: BẮC HIỀN

Rất nhiều cựu chiến binh như ông Trần Văn Định đã được giải quyết chế độ chính sách một cách công tâm, chính xác. Thượng tá Võ Văn Thọ, Phó chủ nhiệm Chính trị BTL TP Hồ Chí Minh cho hay, đó là kết quả của mô hình “Đến từng nhà, rà từng người” trong giải quyết chế độ chính sách quân đội mà cơ quan chính sách BTL TP Hồ Chí Minh thực hiện những năm qua. Cách làm này khơi dậy tính năng động, chủ động của đội ngũ cán bộ cơ sở, trực tiếp hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng khai đúng những thông tin ngay từ đầu, khắc phục việc kê khai chung chung, thậm chí thiếu chính xác, khiến hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần, tốn công sức. Nhờ đó, hồ sơ tiếp nhận đến đâu được phối hợp giải quyết dứt điểm đến đó, không để tồn đọng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan chính sách BTL TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, giải quyết 671/671 hồ sơ chính sách, đạt 100%.

Là địa phương có số lượng người có công (NCC), gia đình chính sách nhiều nhất địa bàn Quân khu 7, để thực hiện tốt công tác chính sách, Đảng ủy, BTL TP Hồ Chí Minh đã tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, BTL thành phố phối hợp tổ chức họp mặt gia đình chính sách, kết hợp triển khai các thông tư, hướng dẫn mới; nắm bắt tâm tư, vướng mắc từ cơ sở. Vì vậy, việc giải quyết chế độ chính sách quân đội được triển khai sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, hình thành nhiều mô hình, phong trào, cách làm hiệu quả, như: “Hành quân về nguồn kết hợp tặng quà, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách”; “Xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa”, “Thay khung bằng huân, huy chương, bảng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; “Nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”... Vừa qua, BTL thành phố đã xây dựng thêm 29 căn nhà tình nghĩa, tình thương tặng NCC.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, BTL Quân khu 7, từng địa phương căn cứ tình hình cụ thể, áp dụng các cách làm phù hợp. Chẳng hạn ở tỉnh Bình Thuận, một bộ phận lớn NCC sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức các phong trào, mô hình hiệu quả, như: “Vận động tiết kiệm để thăm, tặng quà”; “Tổ, nhóm tìm hài cốt liệt sĩ (HCLS) ở xóm, ấp”... Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có mô hình “LLVT tỉnh lan tỏa yêu thương, ấm tình quân dân”. Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai có Phong trào “Xã, phường, thị trấn làm công tác thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng”; “Tu bổ, tôn tạo công trình ghi công”...

Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác nhân đạo  

Theo Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7: Các mô hình, phong trào đã kết hợp tốt công tác tư tưởng với công tác chính sách, phát huy tiềm năng, lợi thế các đơn vị, địa phương, phối hợp giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc trong công tác chính sách, HPQĐ, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVT quân khu vững mạnh. Việc tăng cường, mở rộng công tác đối ngoại quốc phòng, hợp tác nhân đạo với quân đội và các tổ chức quốc tế những năm qua mang lại hiệu quả tích cực trong tìm kiếm, quy tập HCLS.

Địa bàn Quân khu 7 là vùng kinh tế năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng, tốc độ phát triển nhanh. Phát huy tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, các đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp huy động nhiều nguồn lực; phối hợp với các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm HCLS, giải quyết chế độ chính sách, chăm lo HPQĐ. Một trong những dấu ấn nổi bật là sự hợp tác giữa Quân khu 7 với các đơn vị Quân đội Hoàng gia Campuchia trong tìm kiếm HCLS... Hay ở tỉnh Đồng Nai, trước đây, Bộ CHQS tỉnh nhiều lần nỗ lực tìm kiếm HCLS tại sân bay Biên Hòa nhưng chưa có kết quả. Từ thông tin phối hợp của các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, đơn vị đã phối hợp tìm kiếm, cất bốc được ngôi mộ tập thể, xác định được 72 HCLS có thân nhân. Bộ CHQS tỉnh Bình Dương phối hợp với đoàn cựu binh Australia cũng tìm kiếm, quy tập được ngôi mộ tập thể 42 HCLS tại xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Năm 2019, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận phối hợp tìm được ngôi mộ liệt sĩ tập thể gồm 16 HCLS (trong đó 8 HCLS xác định danh tính)...

Từ thực tiễn đặc thù nhiệm vụ, các đơn vị linh hoạt kết hợp tốt giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, công tác dân vận, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn sâu, kiểm tra, triển khai kỹ, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết chế độ chính sách quân đội, HPQĐ. Công tác tuyên truyền được triển khai nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sát đối tượng, tăng cường hỗ trợ lẫn nhau, thường xuyên rút kinh nghiệm, tạo sức lan tỏa trong toàn LLVT quân khu.

TÙNG SƠN - DUY HIỂN

(còn nữa)