leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn

“Đổ thêm dầu vào lửa” trong lúc nguy nan, một số đài, báo quốc tế châm ngòi với những luận điệu rất thiếu thiện chí, như: “Lúng túng và tranh cãi quanh chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, “Song kiếm hợp bích” chống “tin giả” giữa dịch Covid-19”... Trong đó, không khó để nhận ra thuyết âm mưu được họ sử dụng, ấy là cố dựng lên một nghi ngờ rằng cơ quan chức năng của Việt Nam đã lạm dụng quyền lực, đưa ra các chế tài để xử lý người vi phạm thiếu căn cứ pháp lý... Cùng với đó, một số người dân không tuân thủ các quy định, luật pháp dẫn đến vi phạm. Những hành vi vi phạm phổ biến, là: Không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, kịp thời; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly; không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân cũng như các biện pháp khác về PCD; đưa tin không đúng sự thật về dịch bệnh gây hoang mang dư luận; lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi...

Trước diễn biến rất phức tạp và cấp bách của dịch Covid-19, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có những quyết sách chưa từng có, áp dụng trên quy mô lớn và mang lại hiệu quả nhất định. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch trên toàn quốc và yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội. Nhiều địa phương đã thực hiện các chế tài xử phạt, trong đó có cả xử lý hình sự. 

Việc cơ quan chức năng áp dụng các chế tài pháp luật trong xử lý người vi phạm là phù hợp cả lý và tình. Hãy thấu hiểu rằng, người đứng đầu ở mọi cấp đều xem xét và cân nhắc kỹ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Mặt khác, trong thời điểm khẩn cấp của dịch bệnh, mọi quyết định được người đứng đầu đưa ra mục đích cuối cùng chính là bảo đảm an toàn sự sống cho mọi người dân; đó là bảo đảm quyền công dân cao nhất. Nhìn rộng ra và soi chiếu vào thực tế tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cho thấy: Nếu chần chừ, thiếu những biện pháp quyết định mang tính kịp thời, quyết liệt thì sẽ không có cơ hội để sửa sai.

Vậy thì về lý, việc các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam... đưa ra những chế tài pháp luật ấy dựa trên căn cứ nào? Trước hết, các địa phương dựa vào hệ thống văn bản của Nhà nước; căn cứ hệ thống pháp luật hiện hành; từ chức năng, nhiệm vụ của địa phương để ban hành những văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố dịch bệnh Covid-19 trên cả nước. Thủ tướng cũng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách PCD, trong đó yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc. Những văn bản quy phạm pháp luật này áp dụng trên phạm vi cả nước, mọi cá nhân, tổ chức phải tuân thủ. Cùng với đó, trong hệ thống pháp luật hiện hành của Nhà nước ta, có nhiều văn bản pháp luật khác quy định xử lý việc không thực hiện nghiêm các giải pháp trong PCD bệnh truyền nhiễm. Trong đó, rõ nhất là Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã xác định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm. Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng quy định cụ thể vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch. Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cũng đã ban hành hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong PCD Covid-19. Cùng với đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng là căn cứ quan trọng để các địa phương đưa ra các chế tài pháp luật này. 

Luật sư Nguyễn Thành Minh, Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang khẳng định: “Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, kể từ ngày 1-4, việc cách ly toàn xã hội đã được quy định rất rõ, không phải khuyến cáo, cảnh báo mà là bắt buộc. Đặc biệt, Văn bản số 45 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã hướng dẫn cụ thể việc xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong PCD Covid-19. Các văn bản nêu trên là những quy phạm pháp luật buộc mọi người phải thực hiện. Người nào vi phạm các quy định này sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định”.

Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Dịch bệnh hiện đang rất nguy hiểm nên tôi ủng hộ chủ trương phải xử lý nghiêm những đối tượng không tuân thủ các quy định trong PCD. Địa phương nào để xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm cả người đứng đầu. Mỗi địa phương, tùy vào đặc điểm, tình hình cụ thể để đưa ra các giải pháp riêng, miễn sao không để dịch bệnh bùng phát".

Bức tranh toàn cảnh của dịch Covid-19 trên thế giới đang vô cùng nguy hiểm. Mốc 1,6 triệu người nhiễm bệnh đã bị vượt qua rất nhanh; con số hơn 102.000 người tử vong tính đến ngày 11-4 chưa có dấu hiệu dừng lại. Việt Nam, đất nước có nguy cơ cao bởi ngoài việc đã có 258 người nhiễm bệnh, chúng ta lại là quốc gia nằm ở "tiền tuyến" xét cả về yếu tố địa lý và các mối tương tác quốc tế. Không có cách nào khác là mọi người dân cần thấu hiểu, đồng lòng, thượng tôn pháp luật để vượt qua đại dịch này.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều nước đã thực thi các chế tài pháp luật cứng rắn để xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm. Liên bang Nga đã sửa đổi luật, phạt nặng các đối tượng tán phát tin giả về dịch Covid-19; chính quyền Moscow yêu cầu những người từ các vùng dịch Covid-19 trở về phải tự cách ly ở nhà trong 2 tuần, nếu không sẽ có thể đối mặt án tù 5 năm. Tại Hungary, luật cho phép áp dụng hình phạt tù đối với những người cản trở các biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch hoặc tán phát thông tin sai lệch liên quan tới dịch bệnh. Hàn Quốc đã thông qua luật chống sự bùng phát dịch, theo đó những người cố tình vi phạm lệnh cách ly sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 1 năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 10 triệu won (8.200USD). Malaysia phạt cá nhân không chấp hành mệnh lệnh kiểm soát di chuyển nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh 1.000 ringgit (khoảng 240USD); nếu không nộp phạt sẽ bị bỏ tù trong 3 tháng. Hàng loạt các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Singapore, Indonesia... cũng áp dụng nhiều hình phạt rất nghiêm khắc đối với người có hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

NGUYỄN TUẤN