Không chỉ vậy, với những người dân nơi đây, hình ảnh màu xanh áo lính luôn xông pha đi đầu trong giúp đỡ, bảo vệ dân đã trở nên thân thuộc.
Ông Hồ Văn Thơn ở thôn A Đang, xã A Ngo nói: "Ngày xưa bộ đội về giúp nhân dân đánh giặc, giành độc lập, tự do. Đất nước hòa bình, đời sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn, bộ đội lại về giúp dân xây dựng quê hương, phát triển kinh tế; cuộc sống người dân từng ngày thay đổi, ấm no hơn". Trò chuyện với bà con địa phương, chúng tôi được nghe nhiều lời khen dành tặng cho cán bộ, chiến sĩ, bởi không chỉ khi xảy ra dịch bệnh mà mỗi khi thiên tai, bão lụt, cháy rừng, LLVT huyện không quản vất vả, hiểm nguy, luôn sát cánh cùng nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, "bộ đội huyện" lại hành quân về các thôn, bản khó khăn để tham gia cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ các gia đình chính sách, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
 |
Lực lượng vũ trang huyện Đakrông giúp nhân dân xã Hướng Hiệp làm đường qua suối vào thôn bản. |
Với người dân các xã A Bung, Tà Long, việc cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Đakrông nhận đỡ đầu, giúp đỡ 3 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa những năm qua đã thực sự khiến lòng dân lay động. Trước việc làm ý nghĩa đó, mặc dù đời sống bà con nhân dân còn nhiều khó khăn, song họ cũng sẵn sàng chung tay, góp sức cùng bộ đội giúp các em có thêm nghị lực, tiếp tục ước mơ đến trường. Đáp lại tình cảm, sự chăm sóc, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ ban CHQS huyện và người dân, 3 em đều chăm ngoan, học giỏi; riêng em Hồ Tạ Hưm ở thôn Mới, xã Tà Long, hiện đã là sinh viên năm thứ ba của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Vừa qua, Ban CHQS huyện tiếp tục nhận đỡ đầu một em học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Hải Phúc và một cụ bà không nơi nương tựa ở xã Mò Ó.
Những việc làm thiết thực, ý nghĩa giúp dân của LLVT huyện còn được người dân xã Ba Lòng kể lại với sự cảm kích. Ba Lòng được xem là "rốn lũ" của tỉnh, mỗi khi dự báo có bão, lãnh đạo, chỉ huy Ban CHQS huyện Đakrông đều cử cán bộ, nhân viên giúp dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch mùa màng, di dời tài sản khỏi những nơi nguy hiểm. Tiếp đó, bộ đội sẽ ở lại cùng nhân dân, "ém quân" chờ bão đi qua để kịp thời giúp bà con ứng phó khi nước dâng cao, sông Ba Lòng chảy xiết, nhiều khu vực có nguy cơ bị chia cắt...
Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đakrông cho biết: "Đakrông là huyện biên giới, với hơn 70% bà con dân tộc Vân Kiều, Cơ Tu; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều; các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng chống phá. Để vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, hằng năm, Đảng ủy, Ban CHQS huyện ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác dân vận; xây dựng quy chế, kế hoạch thực hiện nghiêm túc, sát từng địa bàn. Phân công cán bộ, nhân viên phụ trách địa bàn, bám nắm cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhằm kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các vụ việc nảy sinh tại cơ sở, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn".
Bằng những việc làm cụ thể, thời gian qua, Ban CHQS huyện Đakrông đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng dân quân giúp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới ở các xã: Mò Ó, Hướng Hiệp, thị trấn Krông Klang; hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân trên địa bàn ứng phó, phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, cháy rừng, tham gia phòng, chống dịch Covid-19; quyên góp hàng trăm triệu đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ; hỗ trợ công dân trong khu cách ly và ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19. Thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình chính sách, các cháu mồ côi trên địa bàn vào những dịp lễ, tết...
Thường xuyên nắm địa bàn, đi vào lòng dân bằng tình cảm, trách nhiệm và những việc làm thiết thực, đó chính là nền tảng vững chắc để LLVT huyện Đakrông ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bài và ảnh: ĐỨC CƯƠNG