Ngày 2-3-2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng không khí Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.
Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng, việc quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm ngay là giảm phương tiện tham gia giao thông tại nội đô. Song, đây vẫn đang là bài toán khó, khi lượng phương tiện cơ giới hoạt động trên địa bàn thành phố quá lớn với gần 7 triệu mô tô xe máy, 1,1 triệu ô tô và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác hằng ngày đổ về Hà Nội.
TS Nguyễn Đình Thạo (Trường Đại học Giao thông Vận tải) phân tích, hiện nay, giao thông Hà Nội đang có mâu thuẫn giữa nhu cầu, áp lực từ phương tiện giao thông với hạ tầng giao thông. Do đó, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, còn cần tới những giải pháp phân luồng, điều tiết giao thông. Tuy nhiên, với hiện trạng giao thông của Hà Nội, mọi giải pháp đều gặp phải những thách thức lớn.
Đứng trên góc độ môi trường, có thể thấy các hoạt động vận tải hiện nay chủ yếu đang sử dụng nhiên liệu truyền thống, nhiên liệu hóa thạch. Loại nguyên liệu này sẽ phát ra khí thải nhà kính. Theo nghiên cứu, người ta tính toán được mỗi một xe ô tô con thông thường, cứ chạy 1km sẽ phát thải 250-252g khí thải CO2 ra môi trường. Còn nếu tính trong một năm thì lượng CO2 mà một xe ô tô này thải ra môi trường là 3 tấn.
|
|
Tàu điện Nhổn-ga Hà Nội tạo được sức hút lớn sau khi đưa vào khai thác.
|
Trước thực trạng này, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí, trong đó có việc khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, phát triển giao thông xanh, giảm thiểu phương tiện cá nhân. Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng với hơn 132 tuyến buýt, trong đó có tỷ lệ đáng kể là xe điện và xe CNG. Đặc biệt, sự xuất hiện của hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí...
PGS, TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, cho rằng, chuyển đổi xanh thực sự là xu hướng tất yếu. Bà An đề nghị xã hội hóa để các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực giao thông xanh, trong đó có ưu tiên tín dụng để đầu tư hạ tầng. Cùng với đó, các sở ban, ngành cần làm đến cùng. Đối với nhân dân, về phía hệ thống giáo dục cùng tham gia từ sớm, tuyên truyền trên các hệ thống truyền thông về lợi ích của phương tiện xanh.
Trong khi đó, theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, việc chuyển đổi phương tiện xanh là việc làm khó. Thành phố có nhiều phương tiện giao thông cá nhân, gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường qua lượng phát thải lớn. Do đó, Hà Nội nên nghiên cứu hình thành nên các vùng phát thải thấp với sự ưu tiên chỉ có các phương tiện xanh mới được đi vào. Tuy nhiên, để thành công, việc đầu tiên cần có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở.
Khó là như vậy, nhưng Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường nhấn mạnh: “Đây là vấn đề chúng ta đang phải làm, buộc phải làm để cho môi trường sống tốt đẹp hơn”. Mới đây, vào ngày 8-8, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được vận hành.
Chỉ sau một tuần đi vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đã chạy 1.370 chuyến, tàu vận chuyển an toàn 393.168 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển 100.515 hành khách. Đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 20% hành khách có ô tô, nhưng bỏ ô tô để đi tàu điện. Từ những số liệu này cho thấy, sự quan tâm của người dân đối với loại hình phương tiện xanh rất lớn.
|
|
Xe buýt điện bước đầu đã phát huy hiệu quả tại Hà Nội. |
Minh họa thêm về sự hiệu quả bước đầu từ sự đầu tư đúng hướng của thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết thêm, theo thống kê, thời gian qua, 10 tuyến buýt xanh đã giảm phát thải 36,5 nghìn tấn CO2, tương đương trồng 1,68 triệu cây xanh, đây là con số rất ấn tượng.
“Chúng ta đã có xe buýt xanh, tuyến đường sắt đô thị xanh và trợ giá để người dân chuyển đổi xanh. Điều này cho thấy, Nhà nước, thành phố và các doanh nghiệp cũng rất tích cực tham gia vào khâu chuyển đổi xanh của Thủ đô”, ông Thái Hồ Phương nói.
Đây là những cơ sở quan trọng để Hà Nội tiếp tục tập trung “xanh hóa” hệ thống phương tiện vận tải công cộng. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định: "Hà Nội đang quyết tâm chuyển đổi năng lượng vận hành phương tiện sang điện và đã đưa vào Quy hoạch Thủ đô để đồng bộ, kết nối trong giao thông. Phải kết nối được toàn bộ các phương thức vận tải hành khách nhằm thu hút người dân và cần tuyên truyền những nôi dụng cụ thể về lợi ích phương tiện xanh đem lại".
Bài, ảnh: LÂM HƯNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.