Lỗ hổng kiến thức về giáo dục giới tính
Vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu, vụ bé gái 8 tuổi bị xâm hại ở Hoàng Mai, Hà Nội, vụ học sinh lớp 1 bị xâm hại tại trường học ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh… chưa kịp lắng xuống thì cách đây vài ngày, trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại tiếp tục đưa thông tin về một bé gái 11 tuổi bị chính cha đẻ và ông nội xâm hại tình dục nhiều lần khiến dư luận xã hội càng thêm nhức nhối. Câu hỏi: “Làm thế nào để con an toàn” khiến chị Thu Trang (Hà Nội) day dứt. Chị kể: “Sau giờ đi học về, con gái tôi hỏi mẹ: “Xâm hại là gì hả mẹ? Con chưa hiểu”. Nghe con hỏi thế, tôi còn chưa biết trả lời thế nào thì con bé khoe hôm nay ở trường được học về kỹ năng phòng tránh bị xâm hại tình dục trẻ em trong giờ học “Kỹ năng sống”. Tôi nghĩ, được học ở trường, về nhà mẹ giải thích thêm chắc con sẽ hiểu thế nào là “xâm hại tình dục” đối với trẻ em và ý thức được việc phòng tránh.
Lảng tránh hoặc “ngại” dạy trẻ về vấn đề giới tính là tâm lý chung của các bậc làm cha, làm mẹ. Trong khi đó, theo các chuyên gia về tâm lý thì trẻ em 4 tuổi đã bắt đầu nhận thức được giới tính của mình. Thực tế, nguyên nhân của những vụ xâm hại tình dục phần lớn là do ý thức giáo dục giới tính của các bậc cha mẹ còn hạn chế. Không ít phụ huynh vẫn tặc lưỡi rằng, các con khi lớn lên sẽ tự biết những điều đó. Hơn nữa, quan niệm “tốt khoe, xấu che” cũng là rào cản lớn nhất khiến nhiều kẻ phạm tội không được đưa ra ánh sáng, dẫn đến tình trạng nạn nhân bị xâm hại nhiều lần. Tiến sĩ Trần Thị Thìn, chuyên gia tư vấn tâm lý, kỹ năng sống cho rằng, đối với những trẻ vị thành niên, ở tuổi dậy thì, các em có những sự “bùng nổ” về giới tính. Nắm bắt được tâm lý này, kẻ có ý đồ lạm dụng thường dùng phương thức dụ dỗ và gây thiện cảm để lợi dụng các em. Nhiều trẻ bị xâm hại nhiều lần nhưng không dám nói hoặc im lặng, dẫn đến những hậu quả khó lường như tự vẫn hoặc phá thai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả tâm lý và sức khỏe.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Mai Xuân Phương, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục (Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế) cho biết, bản thân ông cũng đã từng nhận nhiều câu hỏi ngô nghê về giới tính từ các em tuổi vị thanh niên và thanh niên. Ông Phương nhìn nhận, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay ngày càng trẻ hóa và mang tính chất phức tạp hơn. So với trước đây, vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục ở nước ta vẫn đang ở tình trạng đáng báo động. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục nhưng gia đình người bị hại thường nghĩ vì tương lai của con hay uy tín của gia đình nên họ giấu giếm hoặc không phanh phui sự việc. Chính vì vậy, những vụ xâm hại tình dục trẻ em được công bố mới đây chỉ là con số bề nổi của tảng băng chìm, còn số liệu thực vẫn là những con số khá đau lòng.
Xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em
Hiện nay, vấn đề giáo dục giới tính đã được đề cập trong nhà trường và được đưa vào các hoạt động ngoại khóa, môn học tích hợp, nhưng thực tế kiến thức còn khá mỏng và muộn so với các nước phương Tây. Nếu như ở Việt Nam, chương trình giáo dục giới tính được bắt đầu từ lớp 5 thì ở các nước trên thế giới, giáo dục giới tính được tiến hành sớm cho trẻ ngay khi ở lứa tuổi mẫu giáo. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề giáo dục giới tính trong môi trường học đường, tới đây, giáo dục giới tính sẽ được thể hiện rõ hơn trong chương trình sách giáo khoa mới. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, tại phác thảo nội dung sách giáo khoa và chương trình mới, vấn đề giáo dục giới tính ở các cấp học sẽ được đề cập sâu hơn. Một trong những điều kiện quan trọng xây dựng chương trình là xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em. Theo đó, các bài học sẽ giúp học sinh nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại. Kiến thức này sẽ có trong các môn như Khoa học đời sống, Kiến thức pháp luật, Sinh học ở các cấp học hay được tích hợp trong môn Ngữ văn.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I năm 2017, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng thừa nhận, những vụ việc liên quan tới an toàn trường học xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm đạo đức nhà giáo và dân chủ trường học. Bộ GD&ĐT đã và đang quyết liệt chỉ đạo để việc nâng cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo và nâng cao tính dân chủ trong trường học. Trong thời gian tới, toàn ngành sẽ đẩy mạnh các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trong các cơ sở giáo dục để trường học thực sự là môi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh.
Giáo dục giới tính không phải là “vẽ đường cho hươu chạy” mà người lớn cần phải "vẽ đường cho trẻ chạy" đúng hướng. Theo ông Mai Xuân Phương, giáo dục giới tính phải tiếp cận từ đơn giản tới phức tạp, từ dễ đến khó, tùy theo từng vùng miền và đối tượng cụ thể; nên dạy cho trẻ theo hướng tích cực, phù hợp với văn hóa Á Đông, chứ không chỉ dừng lại ở việc úp mở trên lý thuyết. Điều này sẽ càng làm cho trẻ thêm tò mò, tự tìm hiểu qua mạng và học không đúng cách thì sẽ dẫn tới phản tác dụng. “Cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn, để có được kết quả như mong đợi thì còn dựa vào cách truyền đạt, tính thực tế, sự am hiểu của đội ngũ giáo viên, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường”, ông Mai Xuân Phương nói.
NGUYỄN HOÀI