Quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh

Sáng 16-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh với đa số đại biểu Quốc hội tán thành. Theo đó, chính quyền địa phương ở TP Hồ Chí Minh gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố.

Chính quyền địa phương ở quận tại thành phố là UBND quận. Đây là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố. Chính quyền địa phương ở phường tại thành phố là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết này, theo phân cấp của UBND thành phố, UBND quận, UBND thành phố thuộc thành phố và theo ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, thành phố thuộc thành phố.

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ảnh minh họa: quochoi.vn

Xem xét kỹ việc tách Luật Giao thông đường bộ

Trong thời gian buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ. Đây là hai dự án luật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, trong đó, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cho rằng, việc tách hai dự án luật đã được Chính phủ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Đặc biệt, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp thì Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh bày tỏ ủng hộ sự lựa chọn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đồng tình với tờ trình của Chính phủ về sửa đổi Luật Giao thông đường bộ theo hướng tách nội dung bảo đảm trật tự ATGT đường bộ; đào tạo, sát hạch và giấy phép lái xe để xây dựng Luật Đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Tiến, việc xây dựng hai luật này phải nghiên cứu kỹ, bảo đảm sự đồng bộ với nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý về thể chế giao thông đường bộ, không để phát sinh tổ chức bộ máy, tăng biên chế, thực hiện cải cách hành chính, công nghệ hóa...

Phát biểu làm rõ một số vấn đề về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đến những nội dung mới của dự thảo luật. Cụ thể, đối với quy định về giấy phép kinh doanh vận tải, hiện nay cả nước có hơn 4,3 triệu ô tô, trong đó chỉ có 1,7 triệu ô tô tham gia kinh doanh vận tải, còn lại là xe cá nhân. Với những người không tham gia kinh doanh vận tải, trong nội dung đào tạo về lái xe chỉ tập trung vào các kỹ thuật, biển báo, quy định để tham gia giao thông. Còn lái xe kinh doanh vận tải mới học về các chính sách liên quan hay quy định xếp hàng hóa trên phương tiện như thế nào cho bảo đảm an toàn. Dự thảo luật quy định từng đối tượng để giảm tải cho người học lái xe và quản lý tốt hơn với người kinh doanh vận tải. Liên quan đến quy định phí sử dụng đường cao tốc, nghị quyết của Quốc hội cho phép tổ chức thu phí với đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Quy định này bảo đảm công bằng giữa các vùng, miền và có kinh phí để phát triển đường cao tốc, có điều kiện để quản lý tốt GTVT.

Bảo đảm tính hợp lý trong phân công quản lý Nhà nước

Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ có quy định về việc chuyển thẩm quyền quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đề nghị, liên quan đến quy định này, cần làm rõ phương án xử lý đối với bộ máy quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đặc biệt, cần nêu rõ phương án giải quyết đối với các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch lái xe đã được thành lập theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, vấn đề về sự chồng chéo, trùng lặp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông đường bộ cần được xem xét một cách tổng thể theo hướng làm thế nào để giảm thiểu được ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; trong đó, vấn đề cấp giấy phép lái xe chỉ là một nội dung. Hiện nay, Bộ GTVT quản lý nhà nước về hạ tầng, người lái, đăng kiểm phương tiện; còn đăng ký phương tiện để lưu hành và xử lý tai nạn, vi phạm giao cho Bộ Công an; thương vong giao cho Bộ Y tế. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị, cần xem xét việc phân công quản lý nhà nước đã hợp lý chưa, nếu cải tiến thì nên phân công lại như thế nào?

Phát biểu làm rõ một số vấn đề về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, trong báo cáo tác động, báo cáo đề xuất, cũng như các quy định của dự thảo luật đã nói rõ, trách nhiệm về bảo đảm trật tự, ATGT là trách nhiệm của Bộ Công an, xác định như là một bộ phận của trật tự, an toàn xã hội. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, nếu Quốc hội đồng ý ban hành Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì lực lượng công an sẽ không tăng biên chế, không tăng chi phí, không tăng các thủ tục hành chính.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hai dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cơ quan thẩm định của Quốc hội, đặc biệt là Bộ GTVT, Bộ Công an nhất trí cao và bảo đảm không làm ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình soạn thảo, không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.  

Theo Thông cáo báo chí số 17 ngày 16-11 của Tổng thư ký Quốc hội, kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, về vấn đề tách hay không tách luật, tại Kết luận phiên họp thứ 48, UBTVQH cho rằng việc Chính phủ tách nội dung giao thông đường bộ thành hai luật riêng biệt cần cân nhắc kỹ và xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ mười (Quốc hội khóa XIV). Do đó, vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định. Về vấn đề quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đây là vấn đề đang có ý kiến khác nhau. Bản chất của vấn đề này là xác định bộ nào sẽ quản lý nội dung này. Việc phân công bộ nào quản lý phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cần tổng kết, đánh giá khách quan, kỹ lưỡng trên cơ sở thông tin, số liệu cụ thể, nhất là những vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy, chi phí, nghiên cứu thêm kinh nghiệm nước ngoài; xu hướng xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động này. Vấn đề này, UBTVQH sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến thảo luận hội trường và thảo luận tại tổ, UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về các vấn đề lớn của hai dự án luật và báo cáo Quốc hội.

Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) với đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

* Ngày 17-11, Quốc hội tiếp tục làm việc và sẽ họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ mười (Quốc hôi khóa XIV).

MẠNH HƯNG