Nụ cười hạnh phúc và phút giây đoàn tụ nghẹn ngào, xúc động của thân nhân, gia đình các nạn nhân là phần thưởng xứng đáng cho các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân và lực lượng chức năng sau những vất vả, hiểm nguy, cân não bên dòng nước lũ đục ngầu, chảy siết.

Lực lượng cứu hộ chuẩn bị vượt sông, tiếp cận hiện trường. 

Trưa 9-11, nhận được tin báo về việc có 3 công dân cư trú tại thị trấn Kon Chro, trong quá trình đi câu cá, không may bị mắc kẹt giữa dòng nước siết tại khu vực đập tràn Thủy điện Đak Srông trên dòng sông Ba, Thượng tá Đoàn Văn Tường, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kon Chro nhanh chóng điện thoại báo cáo tình hình, đề nghị UBND huyện và Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ, đồng thời huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện của đơn vị khẩn trương cơ động đến hiện trường, triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn.

Từ trên bờ sông, thấy các công dân đang hốt hoảng co cụm trên một tảng đá nhỏ, trơn trượt nằm chơi vơi giữa dòng nước siết, các chiến sĩ vừa sử dụng loa phóng thanh động viên, trò chuyện để họ lấy lại bình tĩnh, vừa chủ động liên hệ, đề nghị Công ty Thủy điện An Khê  - Ka Nak đóng cửa xả lũ, tránh tình huống xấu có thể xảy ra.

 Lực lượng chức năng triển khai hệ thống cáp treo đưa người tiếp cận hiện trường.

Dưới trời mưa xối xả, Trung tá Lương Công Ny, Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện cùng lực lượng cứu hộ của Bộ CHQS, Công an, tỉnh Gia Lai, Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3), Đội Cảnh sát chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khu vực An Khê và Ban CHQS huyện vẫn nhanh chóng cơ động dọc bờ sông, tìm đoạn nước êm, lòng sông hẹp, ít vách đứng, vách hụt, rồi buộc dây vào người, bơi sang bên kia bờ đối, tìm cách tiếp cận hiện trường.

Với hệ thống ròng rọc tự chế, ít giờ sau, các chiến sĩ đã chuyển được phao bơi, áo ấm, lương thực thực phẩm cho các công dân gặp nạn. Tuy nhiên, do nước sông Ba vẫn đang chảy siết, việc đưa các nạn nhân vào bờ vẫn chưa thể thực hiện được ngay. Để đề phòng bất trắc, 3 chiếc ca nô, xuồng cứu hộ của Lữ đoàn Công binh 7 được triển khai ở phía cuối nguồn, sẵn sàng đón lõng nếu có người trôi xuống.

 Chiến sĩ cứu hộ Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đu dây ra khu vực các công dân gặp nạn.

Thượng tá Lê Thanh Tùng, Phó tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai cho biết: “Khoảng cách gần nhất từ chỗ các công dân gặp nạn lên bờ đối là 70m, tuy nhiên khu vực này có độ chênh cao lớn, không đảm bảo an toàn, nên chúng tôi phải bố trí lực lượng, phương tiện dịch lên phía đầu nguồn gần 50m nữa. Trời mỗi lúc một tối dần, mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, càng về đêm gió càng lạnh buốt, song lòng ai cũng nóng như lửa đốt. Quyết tâm đưa các nạn nhân về bờ trước khi trời sáng, trong lúc chờ nước rút, chúng tôi chủ động chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các loại đèn pha, máy phát điện, thang dây, phao bơi, súng bắn dây, sào cứu hộ, chọn ra 15 đồng chí cao to, nhanh nhẹn, có khả năng bơi lội tốt… sẵn sàng vượt lũ cứu người”.

Một nạn nhân được giải cứu thành công 

Mặc mưa to, gió lớn, đêm khuya, trên bờ ta, thân nhân, gia đình của các nạn nhân và hàng trăm người dân hiếu kỳ vẫn có mặt tại hiện trường theo dõi sát sao công tác cứu hộ, cứu nạn. Để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, bộ đội phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con chú ý giữa khoảng cách, tuân thủ nghiêm quy định “5K”.

Công tác bảo đảm hậu cần cho bà con và lực lượng chức năng cũng được Ban CHQS huyện triển khai, thực hiện chu đáo ngay tại bờ sông. Đúng 1 giờ sáng, thấy thời cơ đã chín muồi, đồng chí K’păh Thuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tổng chỉ huy tại hiện trường, ra lệnh cho các lực lượng dùng súng bắn dây đưa người và các phương tiện, trang bị ra lòng sông, giải cứu các công dân mắc kẹt.

Dưới ánh đèn pha loang loáng, Thiếu tá QNCN Đinh Tứ, Trợ lý Binh chủng Ban CHQS huyện và các chiến sĩ lần lượt đu dây, băng qua các mỏm đá sắc nhọn, tiếp cận hiện trường.

Sau 45 phút giải cứu căng thẳng đến nghẹt thở, các công dân Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Văn Nhơn lần lượt được lực lượng cứu hộ đưa vào bờ an toàn.

Hạnh phúc nghẹn ngào trong phút giây gặp lại người thân, anh Nguyễn Văn Nhơn xúc động nói: “Sáng qua, thấy trời mưa lâm râm, chúng tôi rủ nhau ra đập tràn câu cá. Nào ngờ đến gần trưa thì nước lũ tràn về khiến cả 3 không kịp trở tay. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thấy các chiến sĩ bất chấp hiểm nguy bơi ra cứu mạng, chúng tôi rất cảm kích và xúc động. Đây thực sự là bài học, dấu ấn khó quên đối với chúng tôi”.

Ghi nhận tinh thần dũng cảm, bất chấp hiểm nguy của các cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, thay mặt UBND tỉnh Gia Lai, đồng chí K’păh Thuyên đã biểu dương và thưởng “nóng” cho các lực lượng ngay tại hiện trường.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG - ĐOÀN TƯỜNG