Tham gia tọa đàm có các thành viên Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, đại diện Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục, tài chính.

Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, quy mô đầu tư cho giáo dục của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới mặc dù đã tăng lên đáng kể, nhưng cơ cấu đầu tư cho cho lĩnh vực này ở nước ta hiện nay còn chưa hợp lý. Đặc biệt là cơ cấu chi cho các nhiệm vụ, giữa các bậc học và ngành nghề trong từng bậc học chưa phù hợp. Cụ thể, tỷ lệ chi thường xuyên chiếm đến trên 80% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo, trong đó chi cho con người chiếm đến khoảng 80% tổng chi; chỉ còn lại chưa đến 20% chi cho hoạt động dạy học, đào tạo, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo trình. Các đại biểu cho rằng mức chi cho hoạt động này như vậy là quá ít ỏi. Bên cạnh đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản trong hoạt động giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) quá thấp so với nhu cầu dẫn đến việc nâng cấp thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt yêu cầu làm hạn chế chất lượng dạy và học.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

PGS,TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng Bộ môn Phân tích Chính sách tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, thực tế hiện nay, cơ sở vật chất, thiết bị của nhiều trường Đại học, Cao đẳng, các cơ sở GD-ĐT, trung tâm dạy nghề đang rất thiếu về số lượng; lạc hậu, lỗi thời về chất lượng. Vẫn còn trên 30% số phòng học và trên 50% số xưởng, phòng thực hành là nhà tạm; chỉ khoảng 20% số trường được trang bị thiết bị ở mức độ công nghệ khá, còn lại mới chỉ được trang bị cho thực hành. Không ít trường hợp việc giảng dạy nặng về lý thuyết, sinh viên ít có cơ hội được thực hành, kể cả thực hành mang tính mô phỏng. Có thể nói, đến nay ở Việt Nam về cơ bản rất ít trường dạy nghề có chất lượng cao... Cơ cấu chi chưa hợp lý dẫn đến chất lượng giáo dục thấp. Học sinh tốt nghiệp còn hạn chế về tư duy sáng tạo, yếu kỹ năng thực hành, năng lực vận dụng những kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết cho hội nhập, khả năng thích ứng với công việc.

Để đầu tư có hiệu quả cho GD-ĐT trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần phải đầu tư đồng bộ cho ngành giáo dục, đồng thời đổi mới mạnh mẽ cơ cấu đầu tư, xây dựng đầu tư theo kế hoạch dài hạn, ngân sách trung hạn và ngân sách theo kết quả.

Theo PGS, TS Đặng Văn Thanh, Chuyên gia Kinh tế, Tài chính cao cấp, Chủ tịch hội Kế toán-Kiểm toán Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội - sản phẩm của nghề GD-ĐT là con người được đào tạo, có trí thức và kỹ năng, điểm khởi đầu cho tất cả các ngành khác trong xã hội. Do đó, cần phải xây dựng một chiến lược đầu tư dài hạn cho GD-ĐT trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, cần xác định và điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho GD-ĐT theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Trước hết, đầu tư đổi mới chương trình, xây dựng mới giáo trình các môn học. Tiếp thu có chọn lọc các chương trình và giáo trình đào tạo, cũng như phương pháp dạy và học của các cấp học từ các nước có nền giáo dục hiện đại. Đầu tư có trọng tâm, ưu tiên, đặc biệt cho những ngành đào tạo khoa học cơ bản, có nhu cầu xã hội hạn chế, khả năng xã hội hóa không cao. Bên cạnh đó, điều chỉnh cơ cấu chi giữa các bậc học, ngành học; điều chỉnh và đổi mới cơ cấu đầu tư đào tạo và đào tạo theo nhu cầu xã hội…

Tin, ảnh: TRÚC PHƯƠNG