Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến về chủ trương này.
Đồng chí VI HÒE, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An: Đời sống công bộc sẽ tốt hơn nhờ TGBC
Tôi nhất trí, ủng hộ chủ trương lần này của Trung ương. Tôi nghĩ, TGBC giúp bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Do đó, việc thực hiện chủ trương TGBC cần thiết phải khoa học, chặt chẽ; có phương pháp đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC phù hợp theo chức danh. Bên cạnh đó, cần bố trí biên chế phù hợp với vị trí việc làm và tính chất công việc. Rõ ràng, thực hiện chủ trương trên sẽ giúp tinh giản đáng kể lượng CB, CC, VC và CB bán chuyên trách, đồng nghĩa với khối lượng công việc sẽ tăng lên và thu nhập (lương, phụ cấp) của những người ở lại sẽ được cải thiện, nâng lên tương xứng với cống hiến, đóng góp của họ.
Tôi mong muốn và tin tưởng, việc TGBC phải đồng thời với việc hoàn thiện chủ trương, chính sách tăng lương cho CB, CC, VC, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Cần phải tính đúng, tính đủ và tạo được giá trị của lao động trí óc, bảo đảm cho CB, CC, VC đủ sống và có tích lũy. Có như vậy CB, CC, VC mới yên tâm gắn bó với công việc, chất lượng công tác ngày càng được nâng cao. THU SA (ghi)
Đồng chí NGUYỄN VĂN NHÂN, Bí thư Đảng ủy xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Khó thanh lọc số cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”
Đồng chí NGUYỄN VĂN NHÂN.
Tôi nghĩ rằng việc TGBC, sắp xếp lại bộ máy là đúng đắn và cần thiết, thế nhưng để thanh lọc được 30% số công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nêu ra là vấn đề không dễ. Theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC thì đến năm 2021 phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả thực hiện còn quá ít, hầu hết mới chỉ áp dụng đối với các đối tượng nghỉ hưu trước tuổi, chuyển ngành, chuyển công tác chứ chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC theo đề án vị trí việc làm. Nguyên nhân của thực tế trên là do việc tuyển chọn CB, CC, VC được thực hiện quá dễ dàng, có chỗ, có nơi chưa theo quy hoạch chung; đồng thời, công tác đánh giá CB, CC, VC chưa thực chất, còn nể nang, chưa tìm đúng những người năng lực yếu, làm việc cầm chừng…
Tôi mong rằng các cấp, các ngành phải hành động quyết liệt, tránh tình trạng nể nang, duy tình. Phải xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá CB, CC, VC một cách khách quan, chính xác, công tâm; trên cơ sở đó mạnh dạn cắt giảm những thành phần dôi dư, làm việc thiếu hiệu quả, cầm chừng. Bên cạnh đó, các ban, ngành, địa phương cần siết chặt ngay từ khâu tuyển dụng, lựa chọn đúng CB, CC, VC có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và tâm huyết với công việc; bố trí cán bộ theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “việc chọn người”, chứ không phải “người chọn việc”. Có như vậy mới bảo đảm thực sự “giản” và “tinh” bộ máy theo yêu cầu Nghị quyết 39 đề ra. YẾN LONG (ghi)
Đồng chí NGUYỄN ANH TUẤN, nguyên Phó trưởng Công an xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc: Dù không còn là cán bộ, tôi vẫn sẽ là công dân tốt
Đồng chí NGUYỄN ANH TUẤN.
Khi mới nhận quyết định tinh giản, tôi hết sức hụt hẫng, tâm lý không khỏi chán nản. Bởi thực sự tôi rất yêu công việc của mình, luôn hăng hái, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, có nhiều thành tích được các cấp ghi nhận. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã tham gia công tác được 11 năm, trong đó 4 năm làm Phó trưởng Công an xã. Đó là chưa kể tôi mới tốt nghiệp lớp đào tạo trung cấp chuyên nghiệp dành cho trưởng công an, dự nguồn trưởng công an xã, phường, thị trấn (hệ vừa học vừa làm), mong muốn sau này tiếp tục có cơ hội phát triển lên chức vụ cao hơn. Bên cạnh đó, tôi và gia đình cũng mất đi khoản lương hằng tháng, mặc dù còn hạn hẹp nhưng cũng phần nào giúp trang trải cuộc sống, rồi chế độ bảo hiểm y tế cùng một số quyền lợi khác cũng không còn...
Tuy nhiên, tôi nghĩ, quyết tâm sắp xếp lại bộ máy, TGBC là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã được khảo sát, nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa vào thực hiện. Vì vậy, bản thân là cán bộ, đảng viên thì phải chấp hành nghiêm, gương mẫu thực hiện. Tôi mong muốn những CB, CC, VC tiếp tục được công tác, mặc dù phải kiêm nhiệm nhiều công việc, áp lực, căng thẳng sẽ tăng lên, nhưng sẽ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, phải thực sự là những công bộc của dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
Với tôi, khi không còn giữ cương vị Phó trưởng Công an xã nữa, tôi sẽ dành tâm huyết, công sức của mình đóng góp vào việc xây dựng khu dân cư. Dù không còn là cán bộ, tôi vẫn sẽ là công dân tốt, một đảng viên gương mẫu. HỒNG SÁNG (ghi)
Đồng chí VÕ THANH SỬ, Chủ tịch UBND thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang: Phải lường trước những hệ lụy...
Tôi tin rằng, bản thân cũng như nhiều đồng chí CB, CC, VC đều nhận thấy tính đúng đắn, cần kíp trong việc tinh gọn bộ máy của HTCT. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là có quá nhiều khó khăn trên lộ trình thực hiện. Việc cho một CB, CC, VC nghỉ việc không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người đó mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình. Mặt khác, con số tinh giản đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ làm tăng nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội do bổ sung một số lượng lớn người về hưu trước tuổi. Bên cạnh đó, xã hội còn nảy sinh những phản ứng tiêu cực từ việc thực hiện TGBC, chẳng hạn như nhiều cơ quan không tuyển dụng sinh viên mới ra trường vì “đang giảm biên chế”, cho nên không thu hút được người trẻ, được đào tạo bài bản, có trình độ cao vào làm việc; nhiều tỉnh, thành phố không nhận người của các địa phương khác, để dành chỉ tiêu cho con em của địa phương mình...
Một chủ trương đúng, chính sách hợp lý mà cách thức, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện không tốt thì rất khó đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí còn làm xáo trộn tình hình, gây bức xúc trong xã hội, làm mất lòng tin ở chính các CB, CC, VC-những người được coi là “gốc” của mọi công việc. Do vậy, cấp có thẩm quyền phải lường trước những hệ lụy kéo theo... KHÁNH MINH (ghi)
Viên chức TRƯƠNG THỊ MAI TRANG, giáo viên Trường Tiểu học Đông Phú số 1, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang: Cả “người ở” lẫn “người về” đều băn khoăn
Viên chức TRƯƠNG THỊ MAI TRANG.
Tôi cũng như đồng nghiệp rất quan tâm đến vấn đề TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC. Tôi cho rằng đây là chủ trương rất đúng đắn, nếu thực hiện tốt sẽ tạo sự đột phá trong công tác cán bộ.
Điều tôi băn khoăn, lo lắng nhất chính là việc làm sao để việc tinh gọn bộ máy bảo đảm thực chất, khách quan, công bằng. Thực hiện chủ trương này, không ít CB, CC, VC lo lắng sẻ nảy sinh vấn đề tiêu cực, như: Hối lộ để "qua cửa" tinh giản; đánh giá cán bộ nể nang, thiếu công tâm... Tôi mong rằng, sắp xếp lại bộ máy nhưng phải chọn ra được những người thực sự có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ để việc tinh giản “thấu lý, đạt tình”, khiến trên dưới đều “tâm phục, khẩu phục”.
Thêm một vấn đề khiến tôi hết sức trăn trở, đó là chế độ, chính sách với những người thuộc diện tinh giản. Để giải tỏa được vấn đề tư tưởng cho những người này, Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống. Làm tốt vấn đề này sẽ giúp những người trong diện tinh giản an tâm tư tưởng, tiếp tục tham gia đóng góp cho cộng đồng, là hạt nhân tích cực tuyên truyền về chủ trương TGBC và sắp xếp lại bộ máy tinh gọn. ĐOÀN VĂN NAM (ghi)
Đồng chí PHẠM MINH TRÍ, Bí thư Đoàn Thanh niên phường 5, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh xã hội hóa, giảm số lượng hưởng lương từ ngân sách
Tôi thấy chủ trương tinh gọn bộ máy là một dịp tốt để thử thách cán bộ, giúp cho CB, CC, VC trẻ phấn đấu hơn nữa để khẳng định mình; giúp họ chuyển biến về chất cả nhận thức lẫn hành động, ra sức học tập và rèn luyện để củng cố, hoàn thiện về trình độ chuyên môn cũng như phẩm chất chính trị, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
Từ việc tinh gọn bộ máy lần này, tôi nghĩ, cần phải có cơ chế đào thải, sàng lọc đội ngũ CB, CC, VC làm việc kém hiệu quả. Trên thực tế, nhiều người có tâm lý đã vào biên chế rồi thì “chắc chân”, sinh tư tưởng an phận, ngại phấn đấu, dẫn đến làm việc cầm chừng. Vậy nên, có thể nói đây là một đợt “tổng tiến công” để “gạn đục khơi trong”, làm tăng hiệu quả và hiệu lực bộ máy của HTCT.
Điều tôi trăn trở nhất là việc TGBC phải làm sao dùng người hiệu quả, cho đúng, đủ yêu cầu, nhiệm vụ công việc. Các đơn vị sự nghiệp công lập cần đẩy mạnh xã hội hóa, giảm số lượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tạo thêm việc làm cho lao động xã hội; có chính sách để thu hút nhân tài, nhất là ở cơ sở, các ngành trọng điểm của từng địa phương. HỒNG GIANG (ghi)
Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều. Đến nay, chưa kể tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế. |