Theo đó, mỗi hộ gia đình trên địa bàn được trang bị 1 bình chữa cháy xách tay và 1 dụng cụ phá dỡ như: Xà beng, kìm cộng lực, búa...
Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình cũng được lắp đặt 1 chuông báo cháy tại tầng 1 tòa nhà; lắp đặt 2 nút ấn báo cháy (1 nút bấm ở trong nhà, 1 nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình.
Đặc biệt, mô hình này có nút ấn và chuông báo cháy giữa các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau, vì vậy, khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình đều phát tín hiệu.
Các thành viên hộ gia đình cũng được hướng dẫn và cài đặt, sử dụng thành thạo ứng dụng trên điện thoại thông minh qua Ứng dụng báo cháy 114. Trong đó, danh sách thành viên trong tổ liên gia được cập nhật để sử dụng tính năng "Tôi an toàn", thông báo an toàn khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.
Ngoài ra, tổ liên gia có thể trang bị thêm các phương tiện chữa cháy khác: Bình chữa cháy đặt dọc theo đường ngõ; khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị vòi, thiết bị mở khóa; khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay, lăng, vòi chữa cháy.
Mỗi hộ gia đình được hướng dẫn thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC bố trí mặt bằng, hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn về PCCC; sắp xếp vật dụng, thiết bị, chất dễ cháy gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn, không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt… Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án thoát nạn qua cửa chính, cửa phụ, qua ban công, qua nhà hàng xóm liền kề, lối lên mái, sử dụng thang dây.... phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra và phổ biến đến tất cả các thành viên trong gia đình.
Ông Nguyễn Mạnh Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Gai cho biết, đây là địa bàn đầu tiên của thành phố triển khai thí điểm mô hình này. Đối với đặc thù địa bàn nhỏ hẹp, các hộ gia đình sống xen kẽ, nhiều ngõ sâu, nhỏ nên việc đưa mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” vào thí điểm và tiến tới phổ biến diện rộng là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với đặc thù của phường. Mô hình sẽ giúp phát hiện và thông báo sự cố cháy nhanh nhất. Từ đó, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ, lây lan đám cháy.
Chia sẻ về mô hình mới này, ông Trần Ngọc Tấn, Tổ trưởng “Tổ liên gia an toàn PCCC” của Tổ dân phố số 4 phường Hàng Gai cảm thấy rất vui mừng và lạc quan với mô hình liên kết các gia đình trong công tác đảm bảo an toàn cháy nổ như thế này; đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” thật sự sẽ giúp cho người dân khu vực phố cổ chủ động hơn, đoàn kết hơn…
Với các biện pháp trên, khi xảy ra cháy nổ, mọi người sẽ đồng thời được báo động và chủ động xử lý đám cháy trong khả năng của mình. Và điều đặc biệt hơn nữa mà ông Tấn cùng người dân ở đây cảm thấy hài lòng là việc kiểm tra, kiểm soát, thông báo tình hình PCCC của mỗi thành viên, mỗi gia đình thông qua Ứng dụng báo cháy 114 trên điện thoại.
Nếu mô hình PCCC mới đạt hiệu quả cao, Công an quận Hoàn Kiếm sẽ báo cáo TP Hà Nội để mở rộng mô hình tới các quận, huyện khác trong thời gian tới.
 |
Phường Hàng Gai là nơi đầu tiên của quận Hoàn Kiếm được triển khai mô hình này. Đây là chủ trương đúng đắn, nhất là đối với địa bàn phố cổ, nhiều hộ gia đình đan xen trong diện tích nhỏ.
|
 |
Cán bộ công an hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị chữa cháy cá nhân.
|
 |
Việc triển khai thí điểm mô hình mới nhận được sự hưởng ứng của nhân dân trong bối cảnh thành phố liên tục xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản. |
 |
Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau. |
 |
Từng vị trí lắp đặt các chuông báo cháy được tính toán kỹ càng.
|
 |
Sau khi khảo sát, các chuông báo cháy được lắp trong nhà dân.
|
 |
Cán bộ công an khu vực dán tờ rơi hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng 114 trên thiết bị di động. |
 |
Tận tình hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng 114 trên điện thoại. |
 |
Việc kết nối chuông báo cháy giữa các gia đình là phương án hay, rất cần với khu vực đông dân cư và sẽ được mở rộng trên khai nếu chứng minh được hiệu quả.
|
NGỌC HUY (thực hiện)