Đây là hai cuốn sách đầu tiên được xuất bản với số tiền huy động từ cộng đồng dành cho “Tủ sách màu Bu”- một sáng kiến xây dựng nguồn tài liệu hữu ích, đáng tin cậy và cập nhật về rối loạn phát triển và tự kỷ, được khởi xướng bởi nhóm Rubic với mong muốn hỗ trợ cho các gia đình có trẻ tự kỷ và nhà chuyên môn ở Việt Nam.

Hai cuốn sách “Hướng dẫn phát triển kỹ năng chơi” và “Hướng dẫn phát triển kỹ năng cảm xúc và xã hội” nằm trong bộ năm cuốn “How-to guide” được biên soạn bởi Autism Aspect Australia. Đây là một tổ chức có uy tín trong lĩnh vực tự kỷ tại Australia, với mạng lưới các trường học hỗ trợ trẻ tự kỷ và người tự kỷ trưởng thành lớn nhất thế giới, cung cấp thông tin, dịch vụ chẩn đoán, quản lý hành vi và nhiều hình thức hỗ trợ khác cho các gia đình có người tự kỷ.

leftcenterrightdel
Hai cuốn sách “Hướng dẫn phát triển kỹ năng chơi” và “Hướng dẫn phát triển kỹ năng cảm xúc và xã hội” trong “Tủ sách màu Bu”. 
“Rất nhiều phụ huynh nhận được lời khuyên “Chơi với con nhiều hơn nhé!”, “Phải dạy con nói nhiều hơn!”, nhưng chơi với con, nói với con như thế nào luôn là một vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ lúng túng. Đặc biệt, đối với trẻ có rối loạn phát triển và tự kỷ, việc cha mẹ có kiến thức để hiểu những khó khăn của con, trở thành người đồng hành để giúp con phát triển các kỹ năng lại càng quan trọng biết bao”, đó là những lời mở đầu của hai cuốn sách, một lời mở đầu mộc mạc nhưng đã đánh trúng tâm lý của những phụ huynh có trẻ tự kỷ. Hầu hết, các bậc cha mẹ đều tỏ ra hoang mang, lúng túng, thiếu kiến thức khi phát hiện con mình bị tự kỷ. Đã có nhiều nghiên cứu khẳng định lợi ích và kết quả khả quan mang lại cho trẻ tự kỷ khi cha mẹ tích cực tham gia vào quá trình dạy trẻ cùng với nhà chuyên môn, tuy nhiên việc áp dụng trong cuộc sống hằng ngày lại không hề dễ dàng. Hai cuốn sách sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho phụ huynh trong việc hiểu được cảm xúc của con cũng như cách chơi cùng con.

Chị Nguyễn Việt Hảo, người mẹ có con trai bảy tuổi bị tự kỷ tham gia buổi giới thiệu tỏ ra tiếc nuối vì không biết đến hai cuốn sách này sớm hơn, vì nếu biết sớm hơn, chị sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm trong nuôi dạy con, đồng hành cùng con. Chị Hảo cũng chia sẻ, là một người mẹ chứng kiến con mình bị mắc bệnh tự kỷ, mặc dù hiểu được mình phải dành sự kiên nhẫn để hiểu và chơi cùng con, tuy nhiên, từ việc ý thức được như thế đến việc có thực hiện được như thế không lại là một quá trình dài. Nếu được tiếp xúc sớm với hai cuốn sách hữu ích này, các bậc phụ huynh sẽ rút ngắn lại được quá trình đó, sẽ hiểu con và có tính kiên nhẫn với con hơn, tránh tình trạng tiết chế cảm xúc kém, hướng dẫn con đến lần thứ 3, thứ 4 đã khùng lên rồi.

Theo chị Nguyễn Tuyết Hạnh, Chủ tịch CLB gia đình trẻ tự kỷ, các tài liệu tham khảo về trẻ tự kỷ hiện nay không có cuốn nào là hoàn thiện 100%, vì vậy, cha mẹ các bé cần phải chủ động tìm kiếm nhiều nguồn tài liệu tham khảo, đọc và học cách phối hợp các nguồn tham khảo để sử dụng tốt nhất cho con mình.

Cũng tại buổi giới thiệu sách, các khách mời đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi cùng nhóm biên soạn và cha mẹ trẻ tự kỷ xoay quanh những vấn đề như: Tầm quan trọng và vai trò của cha mẹ trong việc can thiệp ở nhà cho trẻ; các nguyên tắc cơ bản khi can thiệp tại nhà, lời khuyên dành cho bạn đọc để có thể áp dụng hiệu quả nhất những kiến thức từ hai cuốn sách, giúp trẻ vừa chơi vừa học…

Đối với trẻ tự kỷ, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải có sự kiên nhẫn. Với những nội dung cung cấp trong hai cuốn sách, cha mẹ sẽ có thêm nhiều kiến thức để hiểu và kiên nhẫn hơn với trẻ, đồng hành cùng với trẻ trong cuộc đời. 2000 cuốn sách sẽ được xuất bản và trao tặng các gia đình có con tự kỷ, nhà chuyên môn và các đơn vị hoạt động hỗ trợ cộng đồng tự kỷ trên cả nước.

Bài, ảnh: BĂNG CHÂU