Việc quản lý hoạt động kinh doanh thuốc trên không gian mạng cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận trong phiên họp đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Có ý kiến cho rằng, việc mua, bán thuốc online hiện nay đang được thực hiện một cách khá dễ dàng, chỉ cần gửi tin nhắn qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo đến các nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc “ship” đến tận nhà. Cùng với đó, rất nhiều sản phẩm được quảng cáo qua mạng là thuốc điều trị nhưng thực tế lại không phải là thuốc, tiềm ẩn mối nguy hại đến sức khỏe người mua, gây bức xúc cho xã hội. Tuy nhiên, với sự phát triển của thương mại điện tử như một nhu cầu tất yếu của xã hội thì hoạt động mua, bán thuốc qua mạng là điều rất khó cấm, cần có quy định chặt chẽ để siết chặt quản lý.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: baodautu.vn |
Trong khi đó, nhiều ý kiến đồng tình với việc cần quy định những loại thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, vì hiện nay có nhiều loại thuốc được đưa về nước ta dưới dạng thuốc xách tay, chưa được cơ quan chức năng cấp phép cũng như kiểm duyệt chất lượng. Bên cạnh đó, các nhà thuốc được bán online cũng cần bảo đảm tiêu chuẩn được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép. Ngoài ra, có đại biểu đề nghị cần quy định thêm về điều kiện kinh doanh các loại thuốc, đối tượng được tham gia mua, bán thuốc, vấn đề bảo mật thông tin người mua, vấn đề truy xuất nguồn gốc, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử.
Thực tế cho thấy, bên cạnh tình trạng thuốc giả được quảng cáo tràn lan trên mạng thì hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng cũng đang bị sử dụng trái phép để phục vụ các hoạt động lừa đảo. Vì vậy, Bộ Y tế cần có đơn vị chuyên trách tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của các hoạt động quảng cáo thuốc trên mạng xã hội.
Bộ Y tế cần chủ động phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, xử lý các hoạt động sử dụng hình ảnh tổ chức, cá nhân trái phép, hoạt động kinh doanh thuốc trực tuyến sai quy định. Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành sẽ giúp các cơ quan chức năng thống nhất trong việc xây dựng dự thảo luật, tránh những nội dung chồng chéo, trùng lặp; phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị trong hoạt động kiểm soát và xử lý mua, bán thuốc trên mạng.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong Kỳ họp thứ tám, vì vậy, cơ quan soạn thảo tờ trình cũng như cơ quan thẩm tra cần tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu để bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển thương mại điện tử cũng như bổ sung, lấp đầy những khoảng trống pháp lý còn tồn tại trong hoạt động mua, bán thuốc trực tuyến hiện nay.
HỮU CHUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.