Lũ từ đầu nguồn tràn về, sông Lam tức nước dâng tràn bờ tràn qua phố xá, làng mạc khắp nơi mặt nước trắng băng về hướng chân trời. Những chuồng lợn, chuồng gà thời bao cấp nhà nào cũng có để tự tăng gia, cải thiện bị bung cửa, lợn gà sổng chuồng bơi tứ tán. Lúc mẹ mang thai tôi, lũ to, mẹ tôi thấy lợn sổng chuồng, tiếc của nên dùng bè chuối bì bõm trong nước ngập sâu kéo con lợn đang độ vỗ béo lên hiên nhà né lũ, chú lợn oằn mình vùng vẫy "la toáng" như sắp bị giết thịt.

Quê tôi là thế, miền Trung ví như gánh bão, lũ hai đầu đất nước. Bão lũ liên miên. Mỗi mùa bão đến, thường vào dịp tháng 8 đến tháng 12 hằng năm, từ miền xuôi lên miền ngược, bão rồi lũ, lũ quét, lũ ống, sạt lở... Những cơn bão cuồng nộ làm dập nát ruộng vườn, tốc mái, đánh sập nhà cửa, trường học, công sở…. Các tuyến đê trở nên mong manh trước dòng nước lũ, xiết chảy, có lúc vỡ bung gây lụt trắng băng đất trời.

Hồi nhỏ tôi thấy những chiếc máy bay trực thăng bay sà sà trên ngọn cây, tiếng cánh quạt máy bay xoành xoạch cùng tiếng động cơ vang động cả vùng. Quân đội sử dụng máy bay đưa bộ đội thả gạo, lương thực cứu đói cho người dân bị cô lập do lũ lụt. Tiếng loa phát thanh khối xóm vang lên nhiều lần trong ngày giục thanh niên đi hộ đê sông Lam chống lũ…

Ký ức mấy mươi năm trước về bão lũ và trong cảm nhận của tôi bão lũ nặng nề nhất thường chỉ có xảy ra ở miền Trung. Nhưng không phải thế, những gì đang diễn ra và những hậu quả sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) quét qua miền Bắc trong những ngày qua nó thể hiện sự khủng khiếp và tàn khốc hơn trong cảm nhận của tôi, Nó cuồng nộ hung hãn hất văng tất cả những nơi nó đi qua, trải rộng từ các tỉnh miền biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình đến các địa phương sâu trong nội địa như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... Nhà cửa tốc mái, cây xanh, cột điện đổ gãy hàng loạt, điện và sóng viễn thông đứt gãy, đã có 146 người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương tính đến chiều 10-9.

Thiệt hại vẫn chưa dừng lại. Hoàn lưu bão, lũ và sạt lở sau bão lại tiếp tục gieo bao tai ương, mất mát. Cầu Phong Châu gãy sập cuốn bao phận người, phương tiện. Nhưng mảng núi lớn đổ sập vùi lấp những căn nhà cùng phận người của bao gia đình.

leftcenterrightdel

Sức mạnh cội nguồn của dân tộc được thể hiện trong những gian nan từ cơn bão số 3 vừa quét qua các tỉnh miền Bắc nước ta. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu 1 dầm mình trong mưa lũ cứu giúp nhân dân tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. 

Có biết bao người đã bật khóc như thể mất đi người thân khi xem những hình ảnh được truyền thông mạnh mẽ về đoàn xe ô tô dìu người đi xe máy qua cầu trong bão gió, những cán bộ, chiến sĩ Quân đội hy sinh khi cứu dân, giúp dân, những người hùng cứu người trong bão lũ…

Hậu quả có khi hơn cả cuộc rải thảm bom của máy bay B52 trong một trận chiến mà giặc Mỹ đã thực hiện trong những năm leo thang đánh phá miền Bắc trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều người đã nói với tôi như thế khi thấy những thiệt hại không đo đếm được trải rộng trên nhiều tỉnh thành ở miền Bắc, được báo chí truyền thông chuyển tải dày đặc rõ nét trên các chương trình, bản tin.

Trong hoang tàn sau cơn bão dữ, trong khó khăn bộn bề chồng chất, tôi lại thấy những hình ảnh mà tuổi thơ mình từng trải qua, chứng kiến. Cả dân tộc như đang rùng rùng đứng lên, kề vai nhau sau bão lũ để dọn dẹp hoang tàn. Nhiều địa phương phát động thi đua ngày đêm khôi phục thiệt hại, dựng lại và cứu cây xanh gãy đổ, khôi phục đường sá, giao thông, viễn thông, nguồn điện thắp sáng… Các ngành, các cấp huy động tổng lực cho việc nỗ lực khắc phục hậu quả bão lũ. Quân đội huy động hơn 450.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân, dự bị động viên đặt những bước chân nơi gian khó, xung yếu ra sức giúp dân, cứu đói, ngăn lũ dữ, dọn dẹp cây xanh, khôi phục công trình hư hại, gia cố đê điều, cứu hộ cứu nạn.

Cả miền Bắc như một công trường chạy đua với thời gian. Bộ Quốc phòng đã có nhiều đoàn công tác theo nhiều hướng mũi, do các đồng chí lãnh đạo trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình chỉ đạo hiệp đồng, phối hợp giúp dân, giúp các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ. Các đơn vị Quân đội triển khai đến các nơi xung yếu, điểm nóng trước, trong và sau bão, lập lán trại dã chiến trắng đêm giúp dân, tìm kiếm người bị nạn, di dời người dân ra khỏi vòng nước xiết, ngập sâu đến nơi an toàn. Điều đó thể hiện cội nguồn, truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình Quân đội luôn phát huy vai trò xung kích, nòng cốt, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, gian khó, hiểm nguy cùng nhân dân, giúp nhân dân phòng chống thiên tai, bão lũ, lo cho dân được an toàn lúc nguy nan.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ các cấp, các tỉnh bị thiên tai, các địa phương miền Trung và miền Nam đã xuất quân các lực lượng ngược ra miền Bắc đến vùng bão lũ để tiếp sức, hỗ trợ khôi phục nguồn điện, đường sá bị hư hại... Nhiều khoản ủng hộ tức thì và những chương trình phát động ủng hộ các tỉnh miền Bắc khắc phục hậu quả bão lũ được các địa phương, tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan truyền thông thực hiện.

Tinh thần sẻ chia nghĩa tình, lá lành đùm lá rách, đồng lòng trong cơn hoạn nạn như đang lan nhanh, lan rộng từ trong tâm khảm, hành động, nghĩa cử, trách nhiệm của mỗi người đến mỗi cộng đồng, công sở, nhiều tỉnh thành và cả nước. Thế mới thấy được sức mạnh đồng lòng, tương thân tương ái của dân tộc ta bộc lộ mạnh mẽ trong lúc nguy nan nhất. Sức mạnh của cội nguồn dân tộc, của quân và dân được thức dậy từ thẳm sâu trong dòng chảy của dân tộc, của thời đại, luôn được bồi đắp niềm tin sẽ mãi muôn đời như thế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phòng chống thiên tai, bão lũ. Điều đó, trong gian nan, bộn bề sau bão dữ, trong mỗi con người Việt Nam đều cảm thấy rất đỗi tự hào.

ĐẶNG TRUNG KIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.