Tôi đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào một buổi sáng lất phất mưa, trời lạnh cóng. Tôi thích cảm nhận cái khởi đầu của mùa xuân hơn là ngắm những bảo vật trưng bày trong không gian rộng lớn của bảo tàng vì vốn dĩ tuổi còn trẻ và không thích những gì xưa cũ. Tôi đến vì người chú họ ở miền núi đã cất công về Hà Nội để xem trưng bày những bảo vật quốc gia lần đầu tiên ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Thế nhưng, cũng chính vào ngày mà tôi tưởng như tẻ nhạt nhất ấy lại là một ngày không thể nào quên. Mắt tôi dừng lại ngay khi nhìn thấy bảo vật mang tên “Bình vẽ thiên nga” và nhận thấy một cảm xúc trào lên trong lòng. Vẻ đẹp này vốn từ trước đến nay tôi chưa từng cảm nhận được. Chiếc bình có dáng cao, vai phình, thân thuôn nhỏ về đáy tạo nên sự thon thả, thanh thoát. Hoa văn trang trí chia thành 7 băng phủ kín thân từ miệng xuống đáy. Băng hoa văn chủ đạo chiếm không gian lớn nhất ở giữa thân bình vẽ phong cảnh với 4 con thiên nga. Một con đang dang cánh bay, một con đang nghển cổ kêu, một con đang rúc đầu vào cánh ngủ và con còn lại đang kiếm ăn. Chú tôi nói, đây là cách chơi chữ và mượn hình biểu ý của người xưa nhằm gửi gắm ước nguyện được thăng tiến, tiền đồ sáng lạn, giàu có, no đủ. Chiếc bình có từ thời Lê Sơ, là giai đoạn phát triển huy hoàng của nghệ thuật gốm sứ cổ Việt.
Các đại biểu và khách tham quan trưng bày Bảo vật quốc gia Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: TTXVN
Tôi quên mất sở thích của mình không phải là “đồ cổ”. Tôi tiếp tục đắm chìm vào những cảm xúc khó tả khi xem những cổ vật khác. Bức tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn đồng khiến tôi mê mẩn ngay tức khắc bởi sự sáng tạo, tinh tế và lâu đời của bảo vật. Bức tượng này đã ra đời khoảng hơn 2.000 năm trước, thật là một tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu. Tượng miêu tả hai người đàn ông đóng khố, đầu chít khăn, đeo khuyên tai lớn chạm vai. Người cõng trong tư thế khom lưng, hai tay vòng ra sau ôm đỡ người ngồi trên lưng, hai chân như đang nhún nhảy theo điệu nhạc. Người được cõng đang say sưa thổi khèn. Tượng được thể hiện theo khối thủng, có nhiều góc cạnh và nhiều đường cong lượn, đòi hỏi kỹ thuật khuôn đúc phức tạp. Bởi vậy, pho tượng không chỉ là bằng chứng về một loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc đã được khởi nguồn từ văn hóa Đông Sơn mà còn phản ánh đời sống tinh thần phong phú, sự lạc quan, yêu đời cũng như trình độ đúc đồng đỉnh cao của người Việt cổ.
Chuông chùa Vân Bản cũng là một bảo vật khiến người xem kinh ngạc bởi sự tinh xảo, kích thước lớn, sự uy nghi cũng như lịch sử ra đời của nó. Đặc biệt là miệng chuông được đúc nổi bằng những cánh sen kép, có các núm gõ cũng hình hoa sen nở mãn khai. Còn rất nhiều bảo vật nữa như: Bia đá cát Võ Cạnh thuộc văn hóa Chăm-pa thế kỷ 3-4, tấm bia cổ nhất Đông Nam Á; cây đèn đồng hình người quỳ thuộc văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm...
Thật khó có điều gì mang tính chất cổ xưa mà lại hấp dẫn tôi đến thế. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái hồn của những giá trị văn hóa mà ở thế hệ chúng tôi ít người lay động. Với tôi, cổ vật chỉ đơn giản là cổ vật, chẳng khác nào một người không hiểu gì về hội họa đứng nhìn một bức tranh trừu tượng và thốt lên: “Chẳng hiểu gì!”. Nhưng bây giờ tôi đã có cái nhìn hoàn toàn khác. Đằng sau vẻ cũ kỹ, cổ xưa của nó là những giá trị đặc biệt liên quan đến những sự kiện trọng đại của đất nước, có những cổ vật lại mang giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại, một sự khởi nguồn...
Tôi nhìn quanh mình, vào ngày mưa lạnh ấy, không chỉ có tôi là người trẻ tuổi đến chiêm ngưỡng những bảo vật ấy mà còn có rất nhiều thanh niên, sinh viên và một số học sinh cũng mê mẩn như bước vào mê cung. Điều đó chứng tỏ rằng, giá trị văn hóa, giá trị lịch sử luôn hấp dẫn đối với đông đảo thành phần, lứa tuổi, chứ không chỉ những người lớn tuổi. Giới trẻ cũng đang say mê, rung động với những giá trị văn hóa cội nguồn của tổ tiên, ông cha.
TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Bảo vật quốc gia là những giá trị văn hóa hiện hình, không chỉ là giá trị văn hóa nói chung mà có giá trị văn hóa đặc biệt của Việt Nam, mang giá trị độc bản, quý hiếm. Giá trị của bảo vật quốc gia thể hiện tại trưng bày qua hình ảnh và bản vẽ giúp người xem có thể đến nghiên cứu, chiêm ngắm được cái đẹp của nó. Tất cả cái đẹp, giá trị của nó đều mang ý nghĩa giáo dục rất lớn”. Còn ThS Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì cho rằng, các bảo vật tiêu biểu đó thể hiện sự sáng tạo, tư duy thẩm mỹ, bàn tay khối óc của cha ông chúng ta truyền lại. Thông qua đó có thể khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Tôi tin rằng, thế hệ trẻ ngày nay không hề hờ hững với những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Họ vẫn luôn trân trọng, giữ gìn và tiếp tục khám phá như một cuộc hành trình trở về với nguồn cội. Mỗi cuộc trưng bày là một dịp hâm nóng tình yêu văn hóa với thế hệ tiếp nối. Mong rằng, sẽ có thêm nhiều trưng bày hơn nữa để những người trẻ như tôi có cơ hội được chiêm ngắm, được hiểu hơn giá trị văn hóa Việt Nam dày truyền thống, giàu bản sắc, nền văn hóa với chiều dài mấy nghìn năm lịch sử.
Bài và ảnh: LƯU NHI