Ngay khi kế hoạch trên được ban hành đã nhận được sự quan tâm của dự luận, cũng như nhiều hoài nghi về sự hiệu quả và hình thức truyền thông đã đã có lịch sử lâu dài này. Thế nhưng, kể cả khi ở cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, loa phường vẫn chứng minh được hiệu quả, nhất là trong thiên tai, địch họa.
Loa phường thời 4.0
Trả lời thông tin báo chí ngày 27-7, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, loa phường hiện là một trong những phương thức truyền thông cơ bản ở cấp cơ sở. Hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở là mục tiêu chung của Chính phủ và đang được TP Hà Nội và nhiều địa phương khác triển khai phù hợp với đặc điểm đặc thù của từng địa phương.
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là phát triển mạng lưới thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối với Trung ương, thống nhất từ Trung ương đến thành phố, cấp huyện, cấp xã.
 |
Loa phường đã gắn bó với đời sống người dân hàng chục năm nay và là món ăn tinh thần thân thuộc của nhiều hộ gia đình. |
Trong đó, các đài truyền thanh cơ sở sẽ dần chuyển đổi công nghệ sang sử dụng phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh, chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương cho biết thêm, về cơ bản đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông mới sẽ có nhiều đặc điểm mới, ưu việt và phù hợp với yêu cầu truyền tải thông tin hơn so với hệ thống loa phường cũ. Trên tổng số 579 đài truyền thanh cơ sở của TP Hà Nội, đã có 35 xã, phường ứng dụng hệ thống mới.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, loa phường mới sẽ hạn chế được ô nhiễm tiếng ồn như từng tồn tại trên hệ thống cũ. Chính quyền địa phương sẽ chủ động chọn vị trí đặt loa và giảm số lượng loa tập trung ở mỗi cụm tối đa chỉ 2 loa. Các vị trí đặt loa cũng ưu tiên tránh các khu vực trường học, có người già hay khu vực ngoại giao… Cùng với đó, mỗi ngày hệ thống loa sẽ chỉ phát 2 bản tin có thời lượng khoảng 15 phút với 5 ngày trong tuần, trừ các tình huống đặc biệt như lễ, tết và dịch bệnh.
Đặc biệt, với việc liên thông, đồng bộ thông tin thống nhất từ cấp trung ương tới cơ sở và ứng dụng công nghệ thông tin giúp quá trình truyền tải thông tin được thống nhất, tăng hiệu quả, mà không tăng nhân sự của bộ máy. Trong khi đó, việc giao nhiệm vụ cho các địa phương chủ động về phương án lắp đặt, thời lượng phát sóng và nội dung thông tin giúp các bản tin phát thanh không chỉ truyền tải các thông tin chính trị-xã hội quan trọng, mà còn là các vấn đề dân sinh được người dân quan tâm.
“Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phát triển mạng lưới thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối với Trung ương, thống nhất từ trung ương đến thành phố, cấp huyện, cấp xã”, bà Nguyễn Thị Mai Hương nói.
 |
Trong kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025, TP Hà Nội đặt ưu tiên hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở hay loa phường. |
Loa phường liệu đã lỗi thời?
Khi nói về các vấn đề được dư luận ý kiến về hệ thống truyền thanh cấp cơ sở, bà Nguyễn Thị Mai Hương cho biết: “Thực tiễn cho thấy, có lúc, có nơi, người dân còn bức xúc với loa truyền thanh phường do nội dung chưa phong phú, chất lượng phát thanh chưa cao, bố trí khung thời gian, chương trình chưa hợp lý…”. Tuy nhiên, đây là vấn đề của những hệ thống truyền thanh cơ sở thế hệ cũ. Những vấn đề này đã được khắc phục trên hệ thống loa phường mới.
Loa phường trong suốt chiều dài lịch sử luôn chứng minh là một trong những phương pháp truyền tải thông tin hiệu quả, tin cậy ở cấp cơ sở. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, khi giãn cách xã hội, hiệu quả tuyên truyền thông tin cấp cơ sở của hệ thống này đã phát huy hiệu quả cao tới mọi đối tượng người dân. Hệ thống loa phường kết hợp với các phương thức truyền tải thông tin hiện đại thông qua bảng tin điện tử hay các nền tảng mạng xã hội sẽ là trụ cột trong hệ thống thông tin cấp cơ sở không chỉ tại TP Hà Nội, mà còn nhiều địa phương khác trên các nước.
Nêu ý kiến về việc hiện đại hóa hệ thống loa phường, ông Nguyễn Đình Đỗ, Bí thư chi bộ tổ 18, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy hiệu quả rõ ràng qua dịch Covid-19 vừa qua, nhưng cần thay đổi phương thức sử dụng, quản lý loa phường cho hợp lý và hiệu quả, thích nghi với đời sống mới để tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu rõ và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các quy định của địa phương.
“Nhiều cụm loa phường tại địa bàn đã được điều chỉnh, phát thanh vào các khung giờ hợp lý và chắt lọc thông tin chất lượng hơn so với trước kia. Đối với người cao tuổi, việc tiếp cận thiết bị thông tin hiện đại còn hạn chế, thì loa phường chính là “món ăn” thường nhật và cung cấp nhiều thông tin hữu ích”, ông Nguyễn Đình Đỗ chia sẻ.
Nói về những kỷ niệm đặc biệt về hệ thống truyền thanh cấp cơ sở, bà Ngô Thị Linh, 78 tuổi, xã Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) nói: “Loa phường từ ngày tôi còn nhỏ đã là một trong những phương tiện cung cấp các thông tin, yêu cầu của nhà nước đến với người dân. Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều người lớn tuổi như tôi vẫn đang gặp vấn đề với việc sử dụng điện thoại thông minh, thì loa phường vẫn là 1 trong các phương tiện cung cấp thông tin có độ uy tín cao. Đặc biệt phải công nhận rằng, nhờ hệ thống loa phường mà thông tin về dịch Covid-19 trong đợt giãn cách xã hội đã được cập nhật liên tục đến từng khu phố, ngõ hẻm”.
Bà Ngô Thị Linh mong muốn, với những thay đổi về khung giờ và đổi mới nội dung phát sóng sẽ giúp loa phường tiếp tục đồng hành với người dân với vai trò là nguồn thông tin cơ sở thân thuộc, hằng ngày tới từng người dân.
Là người thuộc thế hệ Gen Z, anh Phan Huy Hoàng, 20 tuổi, quận Đống Đa, TP Hà Nội chia sẻ, loa phường đối với người trẻ thì như là 1 phần còn lại của những ngày xưa cũ. Nó là 1 nét đẹp văn hóa cộng đồng đã trường tồn với thời gian.
 |
Loa phường không chỉ là nét đẹp truyền thống, mà đã khẳng định được hiệu quả trong tuyên truyền cơ sở, nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. |
“Tôi rất mong chính quyền địa phương có cách sắp đặt, sử dụng hợp lý để loa phường không gây ảnh hưởng tiếng ồn đến đời sống người dân”, anh Phan Huy Hoàng nói.
Có thể nói, loa phường đã tồn tại qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước. Đây vẫn là hệ thống thông tin cơ sở cần thiết và hiệu quả, kể cả trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ như hiện nay.
“Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, hệ thống phát thanh cơ sở vẫn được duy trì và phát triển”, bà Nguyễn Thị Mai Hương nhấn mạnh.
Theo Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở, TP Hà Nội đặc biệt yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cơ sở, trong đó có truyền thanh cơ sở, cả về nhân lực và cơ sở vật chất, nhằm cung cấp cho người dân thông tin chính xác, kịp thời, phong phú, chất lượng, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động thông tin cơ sở, làm tốt nhiệm vụ đưa thông tin thiết yếu đến người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của thành phố, thúc đẩy phát triển Thủ đô và đất nước.
Bài, ảnh: TUẤN SƠN – MINH CHÂU