Sông Hồng trong lịch sử phát triển của Hà Nội

Năm 2022, Hà Nội đã công bố quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng. Theo quy hoạch được phê duyệt, chiều dài quy hoạch phân khu là 40 km trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa giới hành chính của 55 phường xã, 13 quận huyện gồm: Đan Phượng, Mê Linh, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín.

Quy hoạch có 3 phân đoạn chính. Phân đoạn từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long là khu vực phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên. Phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì là khu vực trung tâm đa chức năng với các công trình công cộng, văn hóa dịch vụ thương mại. Phân đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở là không gian sinh thái, trọng tâm với các khu vực trồng rau màu cây cảnh khu vực nuôi trồng thủy sản cùng làng nông nghiệp truyền thống và công trình di tích lịch sử. Dự báo dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 vào khoảng 300.000 người.

leftcenterrightdel

 Quy hoạch sông Hồng của Thủ đô.

Về vị trí của sông Hồng, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng khẳng định: Ngày 20-10-1996, Thường vụ Bộ Chính trị đã ra Thông báo số 10-TB/TW về “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tới năm 2020”, chỉ rõ: “Mở rộng quy mô Hà Nội chủ yếu về phía Tây (phía Tây Bắc và Tây Nam) và phía Bắc. Ưu tiên trước cho đầu tư phát triển phía Bắc sông Hồng (từ sông Đuống trở lại), nơi đã có sẵn các đầu mối giao thông thuận lợi để phát huy tốt cảng Cái Lân, Hải Phòng, các trục quốc lộ số 18, số 5 và sân bay quốc tế Nội Bài.

Quan điểm mới trong quy hoạch Thủ đô

Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã khẳng định điều này tại Hội thảo khoa học chủ đề: “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức.

Quan điểm này được GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày cụ thể trên cơ sở ý kiến của Liên danh tư vấn nghiên cứu góp ý cho Hà Nội. Theo đó, 5 vùng kinh tế - xã hội của Hà Nội được xác định gồm: Vùng đô thị Nam sông Hồng gồm 2 tiểu vùng, trong đó tiểu vùng 1 có 6 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy - khu vực trung tâm hành chính quốc gia. Tiểu vùng 2 gồm 8 quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Trì và Hoài Đức. Vùng thứ hai là vùng Bắc sông Hồng, gồm 4 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh và Mê Linh, hình thành trung tâm hành chính mới của Thủ đô.

5 không gian phát triển đô thị: Đô thị trung tâm, gồm 2 tiểu vùng phía Nam và Bắc sông Hồng; đô thị Hoà Lạc, định hướng phát triển thành phố khoa học - đào tạo; đô thị Sơn Tây - Ba Vì phát triển văn hoá du lịch; đô thị phía Bắc gồm Sóc Sơn và một phần Đông Anh, một phần Mê Linh; đô thị phía Nam gồm Phú Xuyên, Ứng Hoà khi hình thành sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.

TS Chu Mạnh Hùng Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất: Phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn là một trong những phương hướng phát triển và tổ chức không gian đô thị. Trong đó lấy sông Hồng làm trục xanh, trục cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông Hồng và xây dựng một số đô thị vệ tinh, mô hình Thành phố trực thuộc Thủ đô ở khu vực phía Bắc và phía Tây thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ... mới của Thủ đô.

THÀNH VĨNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.